Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, giáo viên luôn nỗ lực để xứng đáng là tấm gương sáng, giữ gìn đạo đức, hình ảnh nhà giáo - nghề cao quý được xã hội tôn vinh; đồng thời nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ xung quanh công tác dạy và học trong thời gian tới. Ông Lễ cho biết:
- Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai từ năm học 2021-2022. Qua 4 năm thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò các trường, sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng lộ trình, nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ông Trần Khắc Lễ |
* Để dạy học theo Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục và mỗi thầy cô giáo phải nỗ lực thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở GD&ĐT đã quán triệt và chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học và những năm tới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai các nhiệm vụ và giải pháp toàn ngành.
Sở GD&ĐT cũng xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục; thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT cũng thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực hợp pháp đầu tư cho GD&ĐT, đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ngành Giáo dục tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục hướng tới xây dựng trường học thông minh. Để đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018, mỗi cán bộ, giáo viên phải tự đổi mới, sáng tạo trong dạy học, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
* Với những nỗ lực, cống hiến của cán bộ, nhà giáo, ngành Giáo dục có sự chăm lo nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn như thế nào, thưa ông?
- Những năm qua, đời sống của giáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều giáo viên cùng với dạy phải đi kèm với dỗ, đến thôn buôn để vận động học sinh đến lớp; chăm lo cho các em từ chuyện học đến ăn ở trong các lớp học bán trú...
Vì thế hằng năm, ngành Giáo dục và Công đoàn ngành luôn thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống, tinh thần cho đoàn viên là cán bộ, nhà giáo, người lao động dưới nhiều hình thức như: tổ chức tặng quà; thăm hỏi, hỗ trợ tiền nhằm chia sẻ, động viên cán bộ, nhà giáo, người lao động nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới GD&ĐT.
* Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, với tư cách là tư lệnh ngành Giáo dục của tỉnh, ông có chia sẻ gì đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động trong ngành?
- Bất kỳ thời đại nào, người thầy không bao giờ bị thay thế. Tôi mong rằng, mọi cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành luôn nỗ lực, trau dồi, nâng cao kiến thức để thực hiện sứ mệnh của một nghề cao quý. Nhân đây, tôi xin chúc toàn thể đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong tỉnh tận hưởng niềm vui trọn vẹn trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
* Xin cảm ơn ông!
Bất kỳ thời đại nào, người thầy không bao giờ bị thay thế. Tôi mong rằng, mọi cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành luôn nỗ lực, trau dồi, nâng cao kiến thức để thực hiện sứ mệnh của một nghề cao quý. |
HIẾU TRUNG (thực hiện)