Ngày 14/11, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng block nhĩ thất cấp III, rối loạn nhịp nặng, choáng tim... đã ổn định sức khỏe sau ca can thiệp cấp cứu. Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân Nguyễn Đại cho biết ông đã đỡ mệt rất nhiều.
Đồ họa: YÊN LAN |
Trước đó, lúc 15 giờ ngày 10/11, bệnh nhân này (61 tuổi, ở Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, block nhĩ thất hoàn toàn, rối loạn nhịp tim nặng, choáng tim. Đây là biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong trên 50% - theo các thống kê.
Ngay lập tức, ê kíp can thiệp được điều động đến Đơn nguyên Tim mạch can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Bác sĩ đặt máy tạo nhịp tạm thời (đưa điện cực vào buồng tim người bệnh để điện cực phát xung và tim sẽ co bóp theo xung điện đó) nhằm tái tạo khử cực tim và co bóp cơ tim. Lúc đó, nhịp tim của bệnh nhân chỉ còn 30-40 nhịp mỗi phút, trong khi nhịp tim bình thường lúc nghỉ ngơi dao động từ 60-100 nhịp mỗi phút.
Chỉ sau 1 giờ kể từ lúc bệnh nhân vào viện, điện cực và các dụng cụ can thiệp đã được đưa vào buồng tim, đáp ứng khuyến cáo can thiệp trong vòng 90 phút đối với những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Kết quả chụp động mạch vành bằng thiết bị chụp mạch máu số hóa xóa nền sử dụng tia X cho thấy động mạch vành phải bị tắc hoàn hoàn ở đoạn gần. Đây là tổn thương thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp can thiệp tiến hành nong và đặt stent, tái thông động mạch vành phải. Sau khi được can thiệp, tần số nhịp xoang của bệnh nhân nhanh chóng trở lại bình thường.
Theo BSCKI Lê Duy (Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), từ đầu năm đến nay, ê kíp can thiệp Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp khoảng 140 ca nhồi máu cơ tim cấp, trong đó tỉ lệ bị rối loạn nhịp tim chiếm 10%. Đây là biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Lê Duy khuyến cáo: Khi có những triệu chứng bất thường nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim, như: đau ngực, đau ở vùng thượng vị, vã mồ hôi, chóng mặt..., người bệnh phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng và nguy cơ tử vong.
YÊN LAN