UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt quy hoạch phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2007 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên là cơ quan đầu mối thực hiện quy hoạch này.
Bạn đọc truy cập Internet tại Thư viện Hải Phú - Ảnh: MINH NGUYỆT
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2007 - 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng, phát triển CNTT trong toàn tỉnh, đưa CNTT trở thành động lực và là ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, đóng góp đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đến năm 2015, hạ tầng CNTT từ cấp huyện trở lên phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% có mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng và kết nối mạng WAN với UBND tỉnh; cấp xã phấn đấu đạt từ 60 - 70% kết nối mạng LAN, 50% kết nối Internet băng thông rộng. Trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 100% có mạng LAN và kết nối Internet; trường trung học cơ sở, các cơ sở y tế đạt 50% có mạng LAN và kết nối Internet; 60% các cơ quan có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành. Trong các cơ quan nhà nước đảm bảo 100% thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử. 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc; trong đó đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (tới cấp huyện), tỉ lệ này là 70%.
Tỉ lệ triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng tại văn phòng UBND tỉnh là 100% và văn phòng UBND cấp huyện, thành phố là 80%. Nâng tỉ lệ trung bình sử dụng máy tính trên cán bộ, công chức trong tỉnh lên hơn 90%; đa số máy tính được kết nối mạng, giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ. CNTT được ứng dụng phổ biến trong các doanh nghiệp lớn, một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Trên 90% doanh nghiệp kết nối Internet, khai thác thông tin trên mạng và hệ thống thư viện điện tử. Trên 30% doanh nghiệp có website và khoảng 60% doanh nghiệp tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Cán bộ CNTT có trình độ đại học, cao đẳng CNTT trở lên trên tổng số dân chiếm tỉ lệ 0,1%. Đến năm 2020, tỉ lệ cán bộ CNTT có trình độ đại học, cao đẳng CNTT trở lên trên tổng số dân sẽ chiếm tỉ lệ 0,2%.
Đến 2020, Phú Yên sẽ hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện diện rộng hệ thống chính quyền điện tử ở các cấp, đưa lên mạng các dịch vụ công cơ bản. 100% các xã phường có điểm truy cập Internet băng thông rộng; hơn 75% thanh niên trên toàn tỉnh sử dụng máy tính và các tiện ích của Internet. Trên 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kết nối Internet, 70% sử dụng các phần mềm để quản lý hoạt động, phát triển thương mại điện tử. 80% trường ở các bậc học có phòng máy tính; công việc giảng dạy có trợ giúp của CNTT chiếm 50% các tiết học. Tin học sẽ dần trở thành môn học chính khóa từ bậc trung học cơ sở. 100% bệnh viện từ tuyến huyện, các trung tâm y tế xây dựng được mạng nội bộ và kết nối Internet; việc quản lý bệnh nhân, hồ sơ bệnh án điện tử sẽ được thực hiện.
Năm 2020 sẽ hình thành thêm một số sàn giao dịch ở các lĩnh vực như thị trường lao động, thị trường thiết bị và dịch vụ khoa học kỹ thuật. Các giao dịch truyền thông để tìm việc, tuyển lao động qua Website sẽ trở thành các địa chỉ tin cậy. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhân lực có chất lượng, đúng yêu cầu trên địa bàn tỉnh và mở rộng ra cả nước. Thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm cùng các giải pháp kỹ thuật. Người dùng cũng có thể tìm kiếm những sản phẩm công nghệ phù hợp với điều kiện của mình.
Trên cơ sở phát triển toàn diện, Phú Yên sẽ có một cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông đảm bảo cho việc phát triển các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Tỉnh cũng sẽ mở rộng tuyến cáp quang kết nối tới phường, xã, thị trấn tùy thuộc vào yêu cầu của người dân với các dịch vụ. 100% xã, phường, thị trấn có mạng LAN. Trung tâm CNTT đủ sức phục vụ nhu cầu phát triển các ứng dụng, quản trị hệ thống. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với tiềm năng lớn, đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm CNTT thuộc Sở Thông tin - Truyền thông, các trung tâm, cơ sở đào tạo trên địa bàn là những đơn vị chủ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT của tỉnh. Công nghiệp CNTT truyền thông dần trở thành công nghiệp quan trọng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện địa hóa của tỉnh. Phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung phục vụ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển phần mềm ứng dụng trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và trong các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh. Hoàn thiện các chính sách thu hút và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ chuyên ngành CNTT; thu hút các nhà khoa học đầu ngành của trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước về Phú Yên làm việc và cộng tác.
ĐINH THANH TỊNH
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên