Thứ Năm, 05/12/2024 02:30 SA
Giúp bệnh nhân yên ổn với hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thứ Hai, 23/09/2024 13:00 CH

Với việc triển khai Đơn vị Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có một bước ngoặt trong công tác quản lý, điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

 

Một bệnh nhân được đo chức năng hô hấp. Ảnh: YÊN LAN

  

Mô hình thiết thực, hiệu quả

 

Hen (dân gian gọi hen suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính, xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng nguyên, liên quan đến các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ điều trị sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Theo các chuyên gia về hô hấp, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các hạt bụi hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào đóng vai trò hàng đầu.

 

Được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, COPD tiến triển âm thầm. Không ít bệnh nhân ngỡ rằng do họ cao tuổi nên khó thở, hoặc do hút thuốc nên bị ho mà không biết rằng mình đã mắc COPD. Do đó COPD thường được phát hiện rất muộn, khi người bệnh lên cơn cấp, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

 

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh hen chiếm khoảng 4,2% dân số; tỉ lệ mắc COPD chiếm khoảng 4,1% dân số. Theo BSCKII Nguyễn Thị Phương, nguyên Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, bệnh nhân hen và COPD chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa này. Có một thực tế là khi có đợt kịch phát, bệnh nhân thường lên tuyến trên để điều trị. Việc này không chỉ góp phần tăng áp lực về lượt khám ở tuyến trên mà còn làm cho người bệnh tốn thêm chi phí đi lại.

 

Năm 2000, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh khởi xướng mô hình Đơn vị Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú (Asthma and COPD Outpatient Care Unit - ACOCU) tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

 

Mô hình này sau đó được nhân rộng bởi tính thiết thực và hiệu quả. Đến nay, Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh đã nhân rộng được hơn 250 ACOCU tại 51 tỉnh, thành trong cả nước. Một số tỉnh đã đưa ACOCU xuống quận, huyện. Theo PGS Lê Thị Tuyết Lan, việc triển khai ACOCU tại địa phương sẽ mở ra cơ hội để các bệnh nhân dễ dàng tiếp cận hô hấp ký (đánh giá chức năng thông khí của phổi thông qua thể tích và lưu lượng khí trong quá trình hô hấp - được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hen và COPD).

 

Bệnh nhân được chẩn đoán và có thuốc điều trị tốt mà không cần phải đi khám tại tuyến cao hơn; thuốc và hô hấp ký được BHYT chi trả.

 

Bước ngoặt trong quản lý, điều trị hen và COPD

 

Tháng 4/2024, ACOCU được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với sự đồng hành của Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh. ACOCU trực thuộc Khoa Nội tổng hợp, có 4 bác sĩ hô hấp (trong đó 1 bác sĩ chuyên khoa II, 1 thạc sĩ) và 5 điều dưỡng đã được tập huấn đo chức năng hô hấp; có 2 máy đo chức năng hô hấp. Phụ trách ACOCU là BSCKII Nguyễn Thị Phương. ACOCU có nhiệm vụ khám sàng lọc, đo chức năng hô hấp, phát hiện sớm hen và COPD tại cộng đồng, đưa bệnh nhân vào quản lý trong mạng lưới.

 

BSCKII Nguyễn Thị Phương, phụ trách Đơn vị Quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú (phía trong), trao đổi với điều dưỡng về hô hấp ký của một bệnh nhân hen. Ảnh: YÊN LAN

 

BSCKII Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Để chuẩn bị cho sự ra đời của ACOCU, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cử cán bộ, nhân viên y tế đi tập huấn ở tuyến trên, sau đó tổ chức tập huấn lại cho các đơn vị ở cơ sở. ACOCU đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân hen và COPD.

 

Chúng ta biết rằng, bệnh mạn tính sẽ theo bệnh nhân suốt thời gian còn lại của cuộc đời. Có nhiều yếu tố liên quan đến sự tiến triển của bệnh mạn tính, trong đó những yếu tố không dùng thuốc cũng ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, việc truyền thông, hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân sẽ góp phần để công tác điều trị mang lại hiệu quả. Đơn vị quản lý và bệnh nhân có sự kết nối chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên, chắc chắn bệnh nhân sẽ được tư vấn, hướng dẫn kịp thời. Mặt khác, với mô hình ACOCU, bệnh nhân điều trị ngoại trú; người nhà của họ không mất thời gian và chi phí đi lại, chăm sóc”.

 

Theo BSCKII Nguyễn Thị Phương, cuối tháng 9 này, ACOCU phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức khám tầm soát bệnh hen và COPD tại 3 huyện. Khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh, các bác sĩ đưa vào quản lý, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để ổn định sức khỏe, tránh những đợt cấp. Như vậy sẽ giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm mức độ nguy hiểm của bệnh do đợt cấp gây ra, đồng thời góp phần giảm áp lực về lượt khám cho tuyến trên...

 

Để tầm soát bệnh hen, nhân viên y tế cung cấp bảng 8 câu hỏi về các triệu chứng: có khò khè, thở rít hay những đợt khò khè, thở rít tái đi tái lại; bị ho, gây khó chịu lúc về đêm; bị thức giấc đêm vì ho hay khó thở; bị ho khò khè hay thở rít sau khi vận động thể lực (chạy, tập thể dục…); có vấn đề hô hấp vào mùa nhất định nào đó trong năm; bị ho, khò khè hay nặng ngực khi hít phải chất kích thích trong không khí; những đợt cảm lạnh “nhập vào phổi” hoặc phải điều trị hơn 10 ngày mới khỏi; các triệu chứng hô hấp được cải thiện với thuốc điều trị hen. Nếu trả lời “có” từ 2 câu trở lên, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bảng câu hỏi tầm soát COPD liệt kê 5 dấu hiệu cho biết người đó có mắc bệnh hay không: ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày; khạc đàm ở hầu hết các ngày; dễ bị khó thở hơn những người cùng tuổi; trên 40 tuổi; đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. Nếu trả lời có từ 3 câu trở lên, người dân hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Theo BSCKII Nguyễn Minh Hoàng, bệnh hen và COPD liên quan đến nhiều yếu tố; các triệu chứng lại khá giống nhau. “Thầy thuốc nhận biết sự khác nhau giữa hen và COPD, còn người dân không có chuyên môn sẽ dễ dàng nhầm lẫn. Vì vậy, nếu người bệnh không đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị mà “tự làm bác sĩ” thì sẽ dẫn đến tình trạng sai một ly đi một dặm, vì hướng điều trị hai bệnh trên hoàn toàn khác nhau”, bác sĩ Nguyễn Minh Hoàng lưu ý.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek