Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ có bộ cản ra đa quan sát trái đất đầu tiên vào năm 2017 dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, cho biết như vậy tại buổi giới thiệu Dự án xây dựng Khu nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì ngày 27/11.
Với việc xây dựng Trung tâm vũ trụ, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nguồn ảnh từ vệ tinh
Trước đó, một vệ tinh nhỏ có mang bộ cản quang học được sản xuất tại Nhật Bản được chuyển giao cho Việt Nam sẽ bổ trợ cho vệ tinh được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng có thể tự sản xuất vật liệu và dụng cụ phục vụ cho công nghệ vũ trụ. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nguồn ảnh từ vệ tinh phục vụ việc cập nhật hệ thống bản đồ điện tử, giúp cho quản lý và quy hoạch đất đai tốt hơn; giám sát và cảnh báo thiên tai lũ lụt, thảm họa môi trường; xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa...
Khu nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ được xây dựng trên diện tích 9ha tại tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng đầu tư ước tính 305 triệu USD bằng nguồn vốn ưu đãi ODA.
Lộ trình thực hiện dự án bắt đầu từ nay đến hết năm 2009 là hoàn tất các thủ tục cấp vốn. Đến năm 2012 sẽ xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật ban đầu và chuyển giao công nghệ giai đoạn 1. Từ 2012 - 2017 hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia.
Như vậy dự án đã đầu tư đồng bộ 3 thành phần nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ chuyên gia về công nghệ vũ trụ); hạ tầng kỹ thuật (xây dựng Trung tâm vũ trụ Hòa Lạc) và chuyển giao công nghệ.
Theo TPO