Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 4/2024, số người chết do viêm gan siêu vi đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Đây là bệnh nhiễm trùng gây tử vong đứng thứ hai trên phạm vi toàn thế giới, dẫn đến cái chết của 1,3 triệu người mỗi năm, tương đương số người chết do lao - bệnh nhiễm trùng gây tử vong hàng đầu.
Minh họa virus viêm gan siêu vi B. Nguồn: hongngochospital |
Số bệnh nhân bị viêm gan siêu vi tăng
WHO lưu ý rằng, mặc dù đã cónhững công cụ tốt hơn để chẩn đoán và điều trị, giá của hóa chất, thiết bị, thuốc... giảm đáng kể, nhưng xét nghiệm và tỉ lệ bao phủ điều trị vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vẫn cóthể đạt được mục tiêu đến năm 2030 mà WHO đề ra, nếu hành động nhanh chóng ngay từ bây giờ.
Báo cáo mới nhất của 187 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy số bệnh nhân bị viêm gan siêu vi tăng từ 1,1 triệu năm 2019 lên 1,3 triệu trong năm 2022. Trong số đó, 83% là viêm gan B và 17% là viêm gan C. Mỗi ngày, trên thế giới có 6.000 trường hợp nhiễm mới và 3.500 người chết do viên gan B và C.
Đáng lo hơn, trong số những người nhiễm virus viêm gan B, C thì số người được chẩn đoán và điều trị chiếm tỉ lệ rất thấp. Tính chung cho tất cả các vùng, chỉ có 13% số người nhiễm virus viêm gan siêu vi B được chẩn đoán; số được điều trị bằng thuốc kháng virus chỉ chiếm 3% trong năm 2022. Đối với viêm gan virus C, có 36% được chẩn đoán và 20% được điều trị.
Do đó, WHO đặt mục tiêu đến năm 2030, phải có 80% số người bị viêm gan siêu vi B và C được điều trị. Bên cạnh đó, tăng tỉ lệ tiêm chủng viêm gan siêu vi cho trẻ sơ sinh, nhất là ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Hội Gan mật Việt Nam, tỉ lệ người bị viêm gan siêu vi chiếm từ 8-10% dân số, nghĩa là có khoảng 8-10 triệu người bị viêm gan siêu vi. Hằng năm cóđến 25.000 trường hợp tử vong do ung thư gan, cao gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân gây ung thư gan do viêm gan siêu vi chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Chẩn đoán sớm rất quan trọng
Số người bị viêm gan siêu vi trong cộng đồng có thể còn cao hơn nhiều so với số người bệnh được phát hiện. Các trường hợp nhiễm virus viêm gan cả B và C thường ít có triệu chứng rầm rộ nên thường bị bỏ qua; bệnh diễn tiến âm thầm qua nhiều năm đến khi có biến chứng mới được phát hiện. Chính vì vậy, chẩn đoán sớm viêm gan siêu vi rất có ý nghĩa trong điều trị và dự phòng lây nhiễm.
Đối với viêm gan siêu vi B, chẩn đoán sớm và điều trị sẽ khống chế sự nhân lên của virus trong tế bào gan, từ đó bảo vệ được tế bào gan, giảm được nguy cơ xơ gan hay ung thư gan. Riêng viêm gan C, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ tiêu diệt được virus, từ đó bảo vệ được tế bào gan. Viêm gan virus C có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Theo đánh giá mới nhất của WHO, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đã giảm được 2/3 gánh nặng do viêm gan B và C gây ra. Những thành tựu đạt được bao gồm các lĩnh vực dự phòng, chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi B và C. Tuy nhiên, chúng ta cần làm tốt hơn nữa trong sàng lọc, chẩn đoán, phòng lây nhiễm và điều trị viêm gan siêu vi để hạn chế biến chứng của bệnh.
Trước hết là tiêm vắc xin phòng viêm gan B. Trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B ngay sau sinh 12-24 giờ. Sau đó thực hiện đầy đủ các mũi tiêm nhắc lại theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Với người lớn, những nhóm người sau đây nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B, bao gồm: Người có quan hệ tình dục với người dương tính với viêm gan B; người có quan hệ tình dục với người không chung thủy hoặc người cónhiều mối quan hệ khác; người đã mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục; người trước đây hoặc đang sử dụng ma túy; người sống cùng với thành viên trong gia đình có người dương tính với viêm gan B; người bệnh và nhân viên ở các cơ sở dành cho người khuyết tật; nhân viên y tế, công an, bảo vệ... có nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người bệnh hoặc tội phạm; những người mắc bệnh thận ở giai đoạn cuối...
Còn với viêm gan siêu vi C, cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Phát hiện sớm viêm gan siêu vi là rất quan trọng để quản lý và điều trị bệnh, tránh lây lan, hạn chế biến chứng xơ gan hay ung thư gan. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế có thể xét nghiệm phát hiện và chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bệnh nhân bị viêm gan siêu vi sẽ được bác sĩ cho làm các xét nghiệm sâu hơn để phân loại viêm gan siêu vi B hay C, giai đoạn bệnh..., từ đócóliệu trình điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng sống và phòng chống lây lan.
BS NGUYỄN VINH QUANG