Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được các trường triển khai nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Tăng cường hợp tác
Tiếp nối thành công của chương trình trao đổi sinh viên sang Nhật Bản vào tháng 9/2023, vừa qua, lãnh đạo Trường đại học Wakayama Shin-ai (Nhật Bản) đã đến và làm việc với Trường đại học Phú Yên về một số nội dung hợp tác sẽ triển khai trong năm 2024 và 2025. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức các đoàn trao đổi sinh viên, hợp tác đào tạo.
TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết: Ưu tiên hợp tác quốc tế là một trong những chiến lược được nhà trường chú trọng. Ngoài Nhật Bản, trường cũng đang hợp tác với nhiều tổ chức như WUSC (Canada), Fulbright (Hoa Kỳ), SJ (Pháp), Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)… Trong đó, Tập đoàn Lotte là đối tác nhiều năm hỗ trợ cho sinh viên nhà trường trong việc tài trợ học bổng.
Hàng trăm sinh viên xuất sắc và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đạt kết quả cao trong học tập đã được khích lệ, động viên kịp thời. Hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường còn được thể hiện qua việc phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế, thu hút các nhà khoa học trên thế giới đến tham dự.
Mới đây, Trường đại học Xây dựng Miền Trung (MUCE) và Công ty Nishikensekei (Nhật Bản) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài, với mục tiêu phát triển lợi ích, phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi bên. Hai bên sẽ hợp tác trong tuyển sinh, đào tạo, định hướng phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, tuyển dụng lao động…
Theo ông Tagami Minoru, Giám đốc kinh doanh đối ngoại Công ty Nishikensekei, doanh nghiệp cam kết sẵn sàng hỗ trợ sinh viên nhà trường trong quá trình học tập, rèn luyện và tiếp cận với công việc thực tế. Công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu đạt yêu cầu; tiếp nhận cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia các dự án tại doanh nghiệp; chia sẻ, hỗ trợ nhà trường về các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng.
Theo TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng MUCE, công tác hợp tác quốc tế trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với nước bạn Lào, nhà trường đang hỗ trợ đào tạo các sinh viên Lào tham gia học tập tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các đối tác, tổ chức giáo dục đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Chìa khóa để hội nhập
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn tìm kiếm nhân sự có chuyên môn cao và những kỹ năng cần thiết giúp họ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trên trường quốc tế. Những nhân sự này phải làm việc trong môi trường đa văn hóa và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Vấn đề đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học là cần phải chuyển mình theo hướng gia tăng mức độ quốc tế hóa.
Theo TS Phan Văn Huệ, nhà trường chủ trương đa dạng hóa và trọng tâm hóa hợp tác quốc tế theo hướng vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần xây dựng năng lực nội tại để thực hiện chiến lược phát triển chung. Các chương trình hợp tác phong phú, đa dạng bao gồm trao đổi sinh viên hai chiều, trao đổi giảng viên và thực hiện các dự án nghiên cứu chung.
Triết lý giáo dục của nhà trường là đào tạo người học có năng lực chuyên môn vững vàng, thành thạo ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực được đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội. Vừa qua, hai kỹ sư vừa tốt nghiệp ngành Xây dựng của nhà trường đã chính thức trúng tuyển vào các công ty của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc.
Nhấn mạnh về vai trò của các chương trình hợp tác quốc tế, TS Trần Lăng cho hay: Hoạt động hợp tác quốc tế trong GD&ĐT thời gian qua đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Phú Yên với nhiều nước trong khu vực và thế giới; đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nghiên cứu khoa học của cán bộ quản lý, giảng viên các nhà trường.
Điều này góp phần đáng kể nâng cao chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới và phát triển địa phương; mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên rèn luyện, học tập, tiếp cận với kiến thức mới chưa có trong nước để sẵn sàng vươn mình ra thế giới.
Những năm gần đây, nhà trường không ngừng thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp có uy tín trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Từ đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới mà trong nước chưa có.
TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên |
HỒ NHƯ