Thứ Bảy, 21/12/2024 23:12 CH
Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo
Thứ Hai, 22/04/2024 13:00 CH

Bộ nhận diện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 phiên bản tiếng Việt

Sở hữu trí tuệ là công cụ để tôn vinh thành quả sáng tạo. Hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nói riêng và KT-XH nói chung. Các mục tiêu phát triển bền vững và sở hữu trí tuệ vì tương lai chung không chỉ là nâng cao nhận thức của giới trẻ về vai trò của đổi mới sáng tạo, mà sở hữu trí tuệ còn gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần cải thiện cuộc sống và bảo vệ tương lai.

 

Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đời sống, nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, Tổ chức SHTT thế giới đã chọn ngày 26/4 hằng năm là Ngày SHTT thế giới. Năm 2024, chủ đề của Ngày SHTT thế giới là “SHTT vàcác mục tiêu phát triển bền vững (SDG): Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.

 

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

 

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 SDG đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho mọi người.

 

Các mục tiêu như một danh sách việc cần làm chung cho cả thế giới đến năm 2030, thôi thúc chúng ta giải quyết các thách thức toàn cầu khác nhau, bao gồm tất cả vấn đề từ nghèo đói đến y tế, giáo dục, nước sạch và môi trường, hướng tới việc xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho các quốc gia.

 

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ (KH-CN), vai trò của SHTT ngày càng rõ nét và cho thấy là một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là khi nhìn qua lăng kính thúc đẩy việc đạt được các SDG. SHTT đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới, là công cụ bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sáng tạo, nhà đầu tư, khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh.

 

Bằng các cơ chế đảm bảo sự độc quyền trên nguyên tắc cân bằng lợi ích, hệ thống SHTT khuyến khích hoạt động nghiên cứu, tạo ra các công nghệ tiên tiến để đảm bảo các SDG. SHTT không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết những thách thức quan trọng được nêu trong từng SDG, như năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe...

 

KH-CN đã và đang đóng góp thành tựu vào hầu hết SDG của thế giới như xóa đói giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp, thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng… KH-CN nói chung cùng SHTT và đổi mới sáng tạo nói riêng có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các SDG.

 

Theo Tổ chức SHTT thế giới, những người tạo ra sự thay đổi trên toàn thế giới đang thúc đẩy những hoạt động đổi mới sáng tạo là cần thiết để đạt được các SDG và xây dựng một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn cho mọi người ở khắp mọi miền. Trong đó, SHTT là trung tâm đểgiải quyết những thách thức toàn cầu mà con người phải đối mặt và là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và phát triển của xã hội.

 

Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua. Vì vậy, Ngày SHTT thế giới năm 2024 là cơ hội đểthểhiện vai trò trung tâm của SHTT và đổi mới sáng tạo trong việc hướng tới thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc vì lợi ích chung toàn cầu.

 

Nước mắm Gành Đỏ, TX Sông Cầu, một trong những nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy nhãn hiệu tập thể. Ảnh: LỆ VĂN

 

 

Xây dựng, phát triển SHTT và đổi mới sáng tạo

 

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, cùng với cả nước, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp toàn diện của các bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đối với công tác đấu tranh với hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xâm phạm quyền SHTT..., góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực SHTT.

 

Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về quyền SHTT, tạo môi trường ổn định, lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lợi dụng các ứng dụng trên không gian mạng để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, bán các sản phẩm hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển KT-XH của địa phương.

 

“Trong thời gian đến, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện Kế hoạch 150 của UBND tỉnh Phú Yên về triển khai thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và Quyết định 288 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Yên đến năm 2030, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả.

 

Song song đó, nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ SHTT trong các trường đại học, cao đẳng, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về tạo lập, quản lý, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ cần đẩy mạnh, nhằm phát huy tính chủ động trong xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ”, ông Dương Bình Phú nói.

 

Sở KH&CN cũng sẽ thúc đẩy xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo, nhất là tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT; hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin SHTT cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức KH-CN, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT.

 

Ưu tiên, hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với chương trình OCOP tỉnh thông qua các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước; tiếp tục hỗ trợ các địa phương và các tổ chức kinh tế phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT liên quan đến các sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ khai thác, phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với bảo hộ thương hiệu tạo nên chuỗi giá trị… 

 

Sở KH&CN sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc trưng của địa phương đã được cấp văn bằng bảo hộ tham gia chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển lãm trong nước nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường.

 

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek