Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên vừa công bố quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đây là một trong những lĩnh vực sớm có quy hoạch trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm giải quyết vấn đề rác thải đang gây bức xúc ở các địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH.
Thi công bãi rác ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.T
Để quản lý, xử lý lượng rác thải rắn phát sinh do sinh hoạt và hoạt động sản xuất của con người, việc quy hoạch tập trung vào 3 nội dung: hệ thống cơ sở xử lý rác gồm bãi rác tập trung và các trạm trung chuyển thứ cấp, trạm trung chuyển sơ cấp; phương thức thu gom, vận chuyển rác và công nghệ xử lý rác.
Lâu nay, việc quản lý, xử lý chất thải rắn chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp nên hầu như ở xã nào cũng có vài bãi rác lộ thiên mang tính tự phát vừa chiếm nhiều diện tích vừa không bảo đảm vệ sinh môi trường. Quy hoạch này sẽ khắc phục tình trạng manh mún đó. Toàn tỉnh sẽ có khu liên hợp xử lý rác tập trung tại xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) với quy mô 30 ha. Bãi rác này không chỉ phục vụ cho TP Tuy Hòa mà còn cho các huyện lân cận như Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tại đây đang có dự án xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh giai đoạn 1 trên diện tích 4 ha do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ với kinh phí đầu tư 42 tỉ đồng; trong tương lai sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác với công nghệ tái chế rác thải, sản xuất các sản phẩm như hạt nhựa, phân bón hữu cơ, gạch bloc không nung... Ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa và Tây Hòa sẽ có trạm trung chuyển thứ cấp đặt tại thị trấn huyện lỵ với quy mô 1,5 ha/trạm, làm nhiệm vụ thu gom rác thải trên địa bàn huyện trước khi chuyển sang xe tải lớn đưa về khu liên hợp xử lý rác của tỉnh. Đối với các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Sông Cầu, do cách xa tỉnh lỵ 40 - 50 km nên sẽ xây dựng bãi rác riêng với quy mô từ 10 - 15 ha. Riêng huyện Đông Hòa còn có thêm bãi rác tại xã Hòa Xuân Tây phục vụ thị xã Đông Hòa và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Bên cạnh đó còn có bãi rác sơ cấp đặt các thị tứ, trung tâm cụm xã, diện tích 0,5 ha/trạm, có nhiệm vụ thu gom, lưu giữ rác trong ngày, sau đó được đưa về trạm trung chuyển trung cấp hoặc bãi rác của huyện. Bãi rác tại các xã, thị trấn hiện nay sẽ được chuyển đổi thành trạm trung chuyển trung cấp hoặc thứ cấp; những bãi rác không bảo đảm các tiêu chuẩn chuyển đổi thì đóng cửa. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống bãi rác trên địa bàn tỉnh khoảng 260 tỉ đồng.
Việc thu gom rác thải gồm hai giai đoạn: sơ cấp và thứ cấp. Thu gom sơ cấp (thu gom ban đầu) từ nguồn phát sinh đến bãi chứa chuyển tiếp lưu chứa rác tại chỗ bằng xe chở rác nhỏ, xe hai bánh kéo tay chuyên dùng. Thu gom thứ cấp bằng xe chuyên dùng ép kín đưa rác thải từ các bãi lưu chứa tạm đến trạm trung chuyển hoặc bãi rác tập trung.
Về xử lý chất thải rắn, hiện có nhiều công nghệ khác nhau như chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt ở nhiệt độ cao (trên 1000oC), xử lý hóa - lý và công nghệ sinh học. Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Phong (Sở Xây dựng Phú Yên), việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải căn cứ vào các yếu tố nguồn phát sinh, thành phần và tính chất rác thải; trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ và cả điều kiện kinh tế - xã hội. Hiện nay, công nghệ chôn lấp là đơn giản, rẻ tiền nhất nhưng tốn diện tích đất rất lớn và còn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đối với rác thải y tế độc hại, bắt buộc phải sử dụng công nghệ lò đốt đặt tại các cơ sở y tế.
Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên Lê Văn Trúc cho biết: Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng hiện nay, để bảo đảm phát triển bền vững cần phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, trong đó rác thải đang là vấn đề bức xúc. Giai đoạn từ nay đến năm 2010, chúng ta phải hình thành hệ thống quản lý chất thải rắn theo quy hoạch với mục tiêu thu gom xử lý 95% rác thải đô thị (thành phố, thị trấn, thị tứ), trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp. 100% rác thải y tế nguy hại được xử lý bằng công nghệ lò đốt phù hợp. Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần có chính sách xã hội hóa các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường và thực tiễn quản lý ở địa phương. Qua đó, xác định rõ khung giá cho phí vệ sinh và khung giá cho các hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo từng giai đoạn phù hợp với thu nhập bình quân của dân.
Theo tính toán của Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng Phú Yên (Sở Xây dựng), đến năm 2010, Phú Yên có quy mô dân số 957.000 người, đến năm 2020 sẽ tăng lên 1.126.000 người. Dự báo đến năm 2010, lượng rác thải sinh hoạt là 785 tấn/ngày, trong đó rác thải đô thị 225 tấn/ngày. Đến năm 2020, lượng rác thải sinh hoạt tăng lên 885 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế vào năm 2010 là 1,05 tấn/ngày, đến năm 2020 là 1,55 tấn/ngày; rác thải công nghiệp vào năm 2020 là 275 tấn/ngày.
NGUYÊN TRƯỜNG