Từ đầu năm 2006 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cấp cứu 35 bệnh nhân bị rắn lục cắn, trong đó, có những trường hợp đến muộn, sơ cứu chưa đúng cách gây khó khăn cho công tác điều trị hoặc ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã giúp trên 85% người bị rắn lục cắn thoát chết.
Rắn lục xanh - một loài rắn rất độc |
Bác sĩ Châu Khắc Toàn, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết, triệu chứng lâm sàng khi bị rắn cắn là tại ngay chỗ bị cắn phù nề, xung huyết, phỏng nước, hoại tử, hạch to, toàn thân chảy máu dưới da, chảy máu nơi tiêm chích, xuất huyết nội tạng, hạ huyết áp, sốc phản vệ. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện ngay sau khi bị rắn cắn, thời gian vào viện càng muộn mức độ bệnh càng nặng.
Huyết thanh được dùng điều trị đặc hiệu là huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, 1 lọ, 000LD50 do Viện Vắc xin và chế phẩm sinh học Nha Trang sản xuất. Tiêm tĩnh mạch mỗi giờ một lọ, sử dụng huyết thanh kết hợp chuyền máu tươi. Kinh nghiệm cho thấy, cần được chọn ngay huyết thanh kháng nọc rắn sau khi bệnh nhân có chỉ định sử dụng.
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thổ lộ: Chăm sóc vết thương sớm và tốt sẽ giảm bớt đau đớn, phù nề cũng như nhiễm trùng tại chỗ. Để giảm bớt các di chứng nặng nề do rắn lục cắn nói riêng và các loại rắn độc khác nói chung, cần phải sơ cứu ngay khi bị rắn cắn. Biện pháp sơ cứu tốt nhất là bất động chi bị rắn cắn bằng dây đeo, thanh gỗ hoặc thanh kim loại và chuyển lên tuyến trên khi bệnh nhân có biểu hiện không bình thường. Nếu bệnh nhân đến sớm và sơ cứu đúng cách thì việc điều trị sẽ cho kết quả rất cao.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Phan Vũ Nhân đánh giá, việc điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn là một thành công. Hiện bệnh viện đã phát triển thành đề tài nghiên cứu khoa học để nhân rộng phương pháp điều trị ra các bệnh viện khác trong và ngoài tỉnh.
VŨ HOÀNG