GS Toán học Martin Kreuzer, Trường đại học Passau (Cộng hòa Liên bang Đức) vừa dành cho phóng viên Báo Phú Yên cuộc phỏng vấn khi ông có buổi chia sẻ những kiến thức bổ ích từ bài giảng đại chúng về cờ vua và toán học với gần 250 học sinh, giáo viên khối THPT một số trường trong tỉnh.
Chương trình do Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa) phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Hội Cựu học sinh - Sinh viên Phú Yên tổ chức.
* Đây là lần thứ mấy giáo sư đến Phú Yên có những bài giảng bổ ích cho học sinh như bài giảng đại chúng về cờ vua và toán học?
- Tôi đến Việt Nam 6 lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Phú Yên và tôi rất thích cảnh vật, con người nơi đây. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thuyết trình bài giảng đại chúng về cờ vua và toán học cho học sinh Phú Yên.
GS Toán học Martin Kreuzer |
* Giáo sư có thể nói cụ thể hơn bài giảng đại chúng về cờ vua và toán học cho học sinh?
- Thời gian chia sẻ những kiến thức về cờ vua và toán học với các học sinh ở Phú Yên không nhiều, nên bài giảng của tôi chỉ đề cập đến lịch sử của cờ vua, mối liên hệ đầu tiên của cờ vua và toán học với một câu đố có tên gọi “Cuộc du hành của hiệp sĩ Al-Adli”.
Bên cạnh đó là các bài toán nổi tiếng khác trong cờ vua, như: “Bài toán 8 quân hậu” hoặc một số thế cờ mà chúng ta có thể giải bằng lý thuyết trò chơi tổ hợp. Ngoài ra, tôi còn đề cập tới sự phát triển của thuật toán chơi cờ vua, bắt đầu từ “máy chơi tự động của Van Kempele”, dẫn đến các mạng lưới thần kinh như Alpha Zero.
Sau khi đề cập tới một số nhà toán học và các kỳ thủ chơi cờ, tôi đưa ra những điểm tương đồng và khác biệt của hai lĩnh vực này để học sinh phân biệt.
* Qua buổi chia sẻ, giáo sư đánh giá thế nào về học sinh ở Phú Yên trong việc học môn Toán và chơi cờ vua?
- Tại buổi nói chuyện, tôi thấy các học sinh hoạt động rất tích cực, chủ động tương tác, các em đã giải quyết được một số vấn đề, những vấn đề rất khó mà tôi đặt ra. Các em cũng rất nhiệt tình trong việc trả lời và đặt những câu hỏi rất hay. Tôi rất ấn tượng với nhiều câu hỏi các em dành cho tôi. Đặc biệt các em nói tiếng Anh rất tốt.
* Giáo sư mong muốn điều gì với các bạn học sinh sau khi nghe bài giảng của ông?
- Qua bài giảng này, tôi mong muốn các em yêu thích toán học và thấy được mối liên hệ giữa cờ vua và toán học, qua đó giúp các em hiểu cách học tập tốt hơn và trở thành một nhà toán học giỏi.
* Toán học và cờ vua có sự tương tác và bổ trợ như thế nào để giúp học sinh có tư duy học tốt môn Toán, thưa giáo sư?
- Chơi cờ vua nó giúp bạn bắt đầu rèn luyện tư duy vấn đề, giải quyết các vấn đề khó. Nó cũng giúp tăng khả năng chú ý và tư duy phản biện, cũng như giúp bạn phát triển tính cách của mình trở nên bền bỉ và thật kiên nhẫn khi không giải quyết được vấn đề ngay lập tức.
Còn toán học là một cách suy nghĩ hơi khác so với chơi cờ vua, nhưng khi rèn được khả năng chơi cờ thì các em sẽ rèn được tính kiên nhẫn để giải những bài toán khó.
* Giáo sư là một trong sáu thành viên của đội tuyển Đức trong các giải thi đấu cờ thư tín quốc tế và giành nhiều giải vô địch trong các kỳ thi đấu từ năm 1992-2009. Là kiện tướng cờ vua quốc tế, ông có lời khuyên gì cho học sinh khi chơi cờ và học toán?
- Để trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp, bạn phải học môn này rất chăm chỉ. Tôi khuyên các bạn trẻ tốt hơn hết các em trở thành một nhà toán học và coi cờ vua như một sở thích.
* Xin cảm ơn giáo sư!
TRUNG HIẾU (thực hiện)