* Hỏi: Việc đánh giá sự tương tự của hàng hóa, dịch vụ khi thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định như thế nào?
Ông Nguyễn Dũng (huyện Tây Hòa)
- Ông Đào Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), trả lời:
Tại khoản 9 Điều 26, Thông tư 23/2023/TT-BKHCN có quy định về việc đánh giá sự tương tự của hàng hóa, dịch vụ khi thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu như sau:
- Hai hàng hóa hoặc 2 dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi 2 hàng hóa hoặc 2 dịch vụ đó có các đặc điểm sau:
Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng.
- Hai hàng hóa hoặc 2 dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tương tự nhau về bản chất và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng, công chúng có liên quan/người tiêu dùng có liên quan…);
+ Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng, công chúng có liên quan/người tiêu dùng có liên quan…).
- Một hàng hóa và 1 dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:
Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (hàng hóa, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của hàng hóa, dịch vụ này được cấu thành từ hàng hóa, dịch vụ kia); hoặc giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của hàng hóa, dịch vụ này phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); hoặc giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (hàng hóa, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác hàng hóa, dịch vụ kia…).
LỆ VĂN (thực hiện)