Bộ KH&CN vừa họp Hội đồng nghiệm thu và thông qua nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia “Nghiên cứu đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC) UNESCO ở tỉnh Phú Yên”.
Đây là nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt, do TS Nguyễn Văn Toàn làm chủ nhiệm; Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện từ ngày 1/3/2021-31/8/2023 với mục tiêu chính: Xác định rõ và đánh giá được giá trị di sản địa chất và các di sản khác ở tỉnh Phú Yên; xây dựng được luận cứ khoa học cho hồ sơ thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên.
Báo cáo tại phiên họp, TS Nguyễn Văn Toàn cho biết: Việt Nam có 3 CVĐC được UNESCO vinh danh nằm trong mạng lưới 195 CVĐC UNESCO thuộc 48 quốc gia.
Khu vực ven biển Phú Yên có sự đa dạng về cấu trúc địa chất, thạch học, địa hình, địa mạo đã tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn, kỳ vĩ; đồng thời là nơi hội tụ của các đới kiến tạo, có lịch sử phát triển lâu đời và sự tham gia của hầu hết các quá trình địa chất như: biến chất; trầm tích; các hoạt động kiến tạo như nén ép, tách giãn với các hệ thống đứt gãy, khe nứt theo nhiều phương khác nhau kết hợp với sự chạm khắc của quá trình ngoại sinh để lộ ra sự đa dạng của các hệ tầng tạo nên tính đặc thù của cảnh quan và địa hình khu vực. Một số thắng cảnh nổi tiếng được công nhận như đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài...
Những điểm phát lộ đá bazan dạng cột, các đá biến chất, đá phun trào là những di sản đá mang đậm giá trị khoa học địa chất, độc đáo và thẩm mỹ. Bên cạnh các di sản địa chất, Phú Yên còn có nhiều di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, khảo cổ và sự đa dạng về sinh học có giá trị làm nên giá trị của khu vực, xứng đáng được thành lập CVĐC.
LỆ VĂN