* Thế nào là quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); SHTT bao gồm các đối tượng nào? Làm gì để bảo vệ quyền SHTT?
Ông Đào Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), trả lời:
- Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định. Quyền SHTT bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng.
Các đối tượng SHTT được Nhà nước bảo hộ bao gồm: Đối tượng quyền tác giả: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học; đối tượng liên quan đến quyền tác giả như: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Đối tượng quyền đối với giống cây trồng: Giống cây trồng và vật liệu nhân giống.
SHTT bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng (Điều 3 Luật SHTT).
Vì vậy, bảo vệ quyền SHTT được hiểu là Nhà nước và chủ thể quyền SHTT sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng SHTT của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.
Quyền SHTT được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ thể quyền có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại tòa án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHTT tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là thanh tra KH&CN (nếu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), thanh tra VH-TT&DL (nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan), thanh tra Bộ NN&PTNT nếu là hành vi xâm phạm đối với giống cây trồng) hoặc gửi tới các cơ quan như: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, hải quan, quản lý thị trường (Điều 199, Điều 200 Luật SHTT và các nghị định: 106/2006/NĐ-CP, Nghị định 47/2009/ND-CP, Nghị định 57/2005/NĐ-CP, Nghị định 172/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2005/NĐ-CP).
LỆ VĂN (ghi)