Thứ Bảy, 23/11/2024 02:15 SA
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục
Thứ Sáu, 04/08/2023 07:00 SA

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục trong thời gian tới. Ảnh: HIẾU TRUNG

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh việc thực hiện đề án này, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ cho biết:

 

- Việc tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động, quản lý nhà nước về lĩnh vực GD-ĐT để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ

* Để đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đạt hiệu quả cao, ngành Giáo dục đặt ra mục tiêu gì, thưa đồng chí?

 

- Ngành Giáo dục sẽ tăng cường đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học. Các đơn vị trong ngành cũng triển khai thống nhất một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, hình thành kho học liệu trực tuyến của tỉnh đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông. Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 10% ở cấp tiểu học, 20% ở cấp trung học.

 

Phấn đấu đến năm 2030, ngành Giáo dục đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số; hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.

 

* Ngành Giáo dục có những giải pháp nào để thực hiện đề án trên có hiệu quả?

 

- Ngành Giáo dục sẽ tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD-ĐT, đảm bảo điều kiện về hạ tầng số; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin hệ thống số hóa và an toàn trong các hoạt động dạy, học, làm việc trên môi trường số. Ngành ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; kết nối internet cáp quang tới tất cả cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ dịch vụ internet cho người học, đội ngũ giáo viên, hỗ trợ máy tính phù hợp cho học sinh, sinh viên. Đồng thời tiếp nhận hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm, thực hành (Lab) hiện đại, phòng Lab mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường công nghệ học máy, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành do Bộ GD-ĐT chuyển giao.

 

Ngoài ra, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các đơn vị trong ngành cũng phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung trong toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa, tăng cường trải nghiệm...

 

* Để đạt được mục tiêu trên, ngành Giáo dục sẽ huy động các nguồn lực từ đâu để đầu tư, thưa đồng chí?

 

- Thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục và UBND tỉnh sẽ huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và CĐS trong GD-ĐT. Trong đó đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về CNTT trong và ngoài nước, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến về giáo dục và CĐS áp dụng trong lĩnh vực GD-ĐT.

 

Ngành Giáo dục cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp phát triển các ứng dụng giáo dục trên các thiết bị cầm tay, thiết bị di động để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi; thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư để đầu tư xây dựng nền tảng số; ưu tiên phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến, hệ thống học tập trực tuyến, kho học liệu số dùng chung, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trang thiết bị số để hỗ trợ, ưu đãi cung cấp sản phẩm CNTT cơ bản tích hợp các phần mềm ứng dụng và tính năng an toàn, bảo mật cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học phục vụ hoạt động dạy, học trong nhà trường.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

Ngành Giáo dục phấn đấu đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số; hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.

 

TRUNG HIẾU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek