Cùng với cả nước, Phú Yên đang tập trung chuyển đổi số (CĐS), trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Vì vậy, xây dựng Data Center hiện đại của tỉnh là nhu cầu cấp thiết để đẩy mạnh tốc độ CĐS, đáp ứng yêu cầu về CĐS của các sở, ngành địa phương trong thời đại công nghệ.
Báo Phú Yên trao đổi với ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT xung quanh vấn đề này. Ông Khánh cho biết:
- Data Center hiểu theo tiếng Việt là trung tâm dữ liệu, nhưng trung tâm dữ liệu này không giống trung tâm lưu trữ chứa dữ liệu lâu nay của tỉnh. Về bản chất, cả hai trung tâm này đều là nơi lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên trung tâm lưu trữ chỉ là nơi lưu trữ văn bản cùng các hiện vật khác theo quy định, khi cần sử dụng, chúng ta sẽ tìm kiếm theo hệ thống sắp xếp lưu trữ. Trong khi đó, Data Center lại là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu đã được số hóa, được chuyển từ những văn bản, tài liệu sang dữ liệu số. Những dữ liệu số này sẽ được quản lý, tính toán, xử lý, khai thác, phân tích một cách hợp lý nhất và nhanh nhất phục vụ cho công tác quản lý, hỗ trợ ra quyết định của Nhà nước; phục vụ công tác quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phục vụ việc tra cứu, khai thác của người dân.
Ông Lê Tỷ Khánh |
* Trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự cần thiết của Data Center như thế nào, thưa ông?
- Năm 2023, Chính phủ và Bộ TT-TT đã xác định là năm đẩy mạnh CĐS, do đó, CĐS là xu hướng tất yếu. Vì vậy, muốn thực hiện CĐS hiệu quả thì chúng ta phải có hạ tầng đảm bảo, phải có dữ liệu số và phải có nơi để chứa dữ liệu số dùng chung cho cả tỉnh, cũng như dữ liệu số riêng cho từng đơn vị, sở, ban ngành trong công tác quản lý nhà nước. Trước đây, khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin thì dữ liệu có thể được lưu trữ ở từng đơn vị, cơ quan, có thể lưu trữ trên máy riêng, lưu trữ trên một server (máy chủ - PV) nhỏ chỉ để dùng trong cơ quan. Hiện nay, chúng ta tập trung CĐS, yêu cầu dữ liệu cần phải liên thông và chia sẻ, nên dữ liệu số sẽ tăng rất nhanh… Do đó, việc đầu tư Data Center là một phần tất yếu, quan trọng để phục vụ công tác CĐS của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
* Hiện nay, Phú Yên lưu trữ dữ liệu bằng hình thức nào và có gây bất tiện?
- Từ năm 2004, Phú Yên đã đầu tư 1 Data Center đặt tại Văn phòng UBND tỉnh để đáp ứng yêu cầu tin học hóa trong các cơ quan nhà nước thời kỳ đó. Đến năm 2008, khi Sở TT-TT được thành lập thì Data Center được chuyển sang Sở TT-TT để phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của cả tỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn đó, chúng ta lại chưa có nhiều dữ liệu, chỉ sử dụng để hosting Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương, lưu trữ email và một vài phần mềm riêng của các đơn vị, cơ quan nhà nước. Sau đó, vào các năm 2013, 2019, tỉnh đã tiến hành nâng cấp thêm và khai thác cho đến nay.
Tuy nhiên, khi thực hiện CĐS ở giai đoạn này, nguồn dữ liệu số liên tục tăng, hơn nữa khi bắt buộc chúng ta chuyển đổi toàn bộ dữ liệu giấy, dữ liệu quản lý theo kiểu truyền thống… sang dữ liệu số nên nguồn dữ liệu số sẽ trở nên rất lớn. Data Center hiện nay được quản lý và vận hành bởi Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông (Sở TT-TT) đã xuống cấp, công nghệ lỗi thời không tương thích với công nghệ mới để có thể nâng cấp thành 1 Data Center hiện đại đáp ứng các yêu cầu cấp thiết đề ra. Thật sự hạ tầng hỗ trợ công tác CĐS của tỉnh hiện nay rất khó khăn, do đó, đầu tư 1 Data Center mới là rất cần thiết và cấp bách.
* Là tỉnh đi sau so với cả nước trong việc xây dựng Data Center, việc này có mang lại thuận lợi gì cho Phú Yên, thưa ông?
- Quá trình quản lý, vận hành Data Center có 3 vấn đề quyết định, đó là kỹ thuật công nghệ, quy trình vận hành và con người. Là tỉnh đi sau, cái được trước tiên mà chúng ta có hiển nhiên là về cơ hội lựa chọn công nghệ. Với tốc độ công nghệ liên tục phát triển như hiện nay, càng về sau công nghệ càng hiện đại, càng hữu ích hơn thì chúng ta sẽ có cơ hội để chọn lựa được kỹ thuật công nghệ hiện đại nhất. Tiếp theo, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm về quy trình vận hành từ các địa phương đi trước. Riêng vấn đề về con người, bắt buộc chúng ta phải tìm kiếm và đào tạo thì mới có thể đảm bảo việc quản lý vận hành.
* Theo ông, sẽ có những lợi ích gì khi đầu tư Data Center. Trong lúc Data Center của tỉnh chưa được đầu tư thì giải pháp nào thay thế để đảm bảo cho công tác CĐS?
- Trước hết, về lý thuyết, Data Center sẽ giúp tỉnh nâng cao DTI (vị thế công tác CĐS) của Phú Yên so với các tỉnh bạn. Còn trên thực tế, Data Center sẽ giúp cho công tác CĐS của tất cả các sở, ban ngành, địa phương vô cùng thuận lợi. Bởi lúc đó, các đơn vị sẽ không còn phải lo đầu tư hạ tầng, nhân lực để làm công tác dữ liệu… Toàn bộ việc này sẽ do Data Center đảm nhận. Ngoài ra, phân tích về đầu tư, nếu như mỗi đơn vị phải tự đầu tư 1 sever thì phải dành riêng 1 phòng trang bị máy lạnh, có người quản lý kỹ thuật, có hệ thống an ninh an toàn dữ liệu, chi phí vận hành cho hệ thống... Trong khi đó, nếu toàn bộ dữ liệu đều đưa về 1 Data Center, chi phí đầu tư sẽ giảm rất nhiều và tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành, bảo mật, bảo trì, nhân lực, vị trí đặt máy, hệ thống tích điện…
Data Center tỉnh chuẩn bị đầu tư theo dự án đầu tư công được HĐND và UBND cho phép sẽ được đưa vào khai thác, phục vụ chung cho cả tỉnh. Tuy nhiên, để đưa Data Center mới vào sử dụng cũng phải đến đầu năm 2024. Để khắc phục những khó khăn trên, Sở TT-TT tham mưu UBND tỉnh tạm thời thuê luôn hạ tầng khi thuê các dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó cũng đã đề xuất UBND tỉnh cho phép thuê dịch vụ 1 Data Center dưới dạng cloud (có thể mở rộng theo thời gian theo nhu cầu, do Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông quản lý - PV) để lưu trữ các dữ liệu từ các sở, ban ngành, địa phương phục vụ kịp thời các yêu cầu cấp bách hiện nay như thực hiện Đề án 06, an toàn an ninh dữ liệu từ Cổng dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu công dân thực hiện thủ tục hành chính, dữ liệu báo cáo các cấp…
* Xin cảm ơn ông!
Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tập trung cho nhiệm vụ tích hợp và chia sẻ, kết nối dữ liệu; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
THỦY TIÊN (thực hiện)