Thực tập là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình học tập, giúp sinh viên (SV) có tâm thế sẵn sàng làm việc khi ra trường. Đây cũng là cơ hội giúp SV phát triển tư duy, rèn luyện phương pháp, kỹ năng làm việc, tổ chức công việc, làm quen với môi trường thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp.
Tiếp cận với thực tế công việc
Ở các trường đại học, cao đẳng nói chung, thời gian thực tập của SV thường diễn ra từ cuối năm ba hoặc năm thứ tư. Đây là lúc sinh viên chọn lựa và tìm kiếm một nơi để thực tập, làm quen với môi trường làm việc thực tế sau khoảng thời gian học tập trên giảng đường. Nếu biết tận dụng thời kỳ thực tập, SV sẽ có nhiều cơ hội phát triển sau này.
Theo PGS.TS Đào Văn Dương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, thực tập là một bộ môn (có số tín chỉ nhất định) trong chương trình đào tạo mà SV phải hoàn thành. Thời gian thực tập chính là cơ hội để SV áp dụng những kiến thức trong nhà trường vào môi trường làm việc thực tiễn. Các thực tập sinh sẽ phải hoàn thành công việc được giao như một nhân viên.
Tạ Thị Hoài Thu, SV ngành Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Khi đi thực tập, SV được trực tiếp tham gia vào các công việc cụ thể để có những trải nghiệm thực tế về công việc trong tương lai. Đối với em, thực tập không chỉ là một bộ môn mình phải hoàn thành báo cáo hay làm tiểu luận mà là cơ hội để trải nghiệm công việc.
Thời gian qua, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên triển khai mô hình đưa SV đi thực tập nghề nghiệp ngay từ năm thứ nhất của chương trình đào tạo đại học. Đây được xem là mô hình đào tạo ngược theo hướng đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn. Trong các năm học tiếp theo, khi được đào tạo nhiều hơn về kiến thức chuyên môn, SV sẽ được bố trí thực tập các nội dung công việc có tính chuyên sâu như: tín dụng, hỗ trợ kế toán, dịch vụ kế toán…
TS Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên cho biết: Trước đây, thời gian thực tập của SV quá ngắn và phần nào mang tính hình thức. Chính vì vậy, trong trường hợp SV nhận thấy mình còn thiếu, yếu về kỹ năng, kiến thức nào đó trong quá trình thực tập thì sẽ không còn đủ thời gian để bổ sung vì quá trình đào tạo đã gần như kết thúc. Với mô hình đào tạo ngược, theo hướng thực hành - lý thuyết - thực hành, SV được tham gia làm công tác hỗ trợ tại các ngân hàng với các vị trí công việc đơn giản như: giao dịch viên, tư vấn sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ tín dụng, tham gia các chiến dịch sản phẩm mới của ngân hàng… Đây được xem là những công việc phù hợp với SV năm nhất, khi chưa được nhà trường đào tạo kiến thức chuyên môn, chuyên sâu. Việc tham gia thực tập sẽ giúp SV làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, rèn luyện các kỹ năng mềm cần phải có, qua đó hình thành ý thức, thái độ học tập đúng đắn.
Cơ hội việc làm và khả năng phát triển
Quá trình thực tập là quãng thời gian quý giá đối với SV khi được trải nghiệm môi trường thực tế giống như một nhân viên tại doanh nghiệp. Anh Trần Văn Tuyên, cựu SV Trường đại học Phú Yên chia sẻ: “Điều mà SV thu lại được sau kỳ thực tập chính là những bài học giá trị của môi trường thực tế, là hành trang tốt nhất để sau khi tốt nghiệp có thể tự tin, bản lĩnh, chinh phục các nhà tuyển dụng. Khi tham gia thực tập tại cơ quan, doanh nghiệp, mối quan hệ của bạn được mở rộng, năng lực bản thân được thể hiện qua vị trí việc làm và người nào có cống hiến tốt chắc chắn sẽ được đền đáp. Bản thân tôi, sau khi thực tập tại một khách sạn, đã được giữ lại làm việc”.
Theo TS Trần Thanh Long, kết thúc mỗi nội dung thực tập, căn cứ vào chất lượng và mức độ đóng góp của SV, các ngân hàng, doanh nhiệp sẽ cấp giấy xác nhận thực tập. Đây được xem là tấm vé giá trị cho SV khi làm hồ sơ xin việc, minh chứng về kinh nghiệm thực tế cho những đòi hỏi của nhà tuyển dụng và có thể được ưu tiên tuyển dụng.
Còn theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, thái độ và tinh thần làm việc tích cực của SV thể hiện trong thời gian thực tập là một trong những điểm cộng để doanh nghiệp có nhìn nhận thực tế về bản lĩnh cũng như khả năng của ứng viên khi tuyển dụng. Nhiều SV đã được doanh nghiệp nhận và ký hợp đồng chính thức ngay khi còn đang thực tập. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo điều kiện để SV tham gia vào các công việc thực tế nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định chung giống như một nhân viên thực thụ của tập đoàn. Hiện tập đoàn liên kết với khá nhiều trường đại học trong vấn đề đào tạo, tuyển dụng để hỗ trợ sinh viên.
NHƯ THANH