Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2022 vừa được trao tại TP Hồ Chí Minh cho các sinh viên xuất sắc toàn quốc. Lần đầu tiên, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung có học sinh đạt giải và là một trong hai trường cao đẳng cả nước có học sinh vào vòng chung kết.
Càng vui và tự hào hơn khi người đạt giải là một học sinh trung cấp nghề chế biến món ăn: Lê Văn Quý với đề tài “Trà túi lọc bạc hà kết hợp với vỏ thơm và gừng”, đạt giải khuyến khích.
Trà túi lọc dược liệu
Gừng và bạc hà là những loại thảo dược dùng chế biến trà túi lọc phổ biến, thường ở dạng trà gừng khô hoặc bạc hà khô. Ý tưởng kết hợp gừng, bạc hà và nguyên liệu giàu vitamin khác tốt cho sức khỏe nảy sinh trong đầu cậu học sinh lớp trung cấp chế biến món Lê Văn Quý.
Hằng ngày trong nhà bếp, vỏ của quả thơm thường vứt rác, cả những nơi chế biến thực phẩm số lượng lớn từ thơm thì vỏ cũng chỉ để tận dụng làm nước lau sàn sinh học hoặc ủ phân. Tìm hiểu về vỏ quả thơm, Lê Văn Quý nhận thấy, trong quả thơm thì vỏ mới là bộ phận có nhiều vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch; nhiều enzym bromelain có khả năng chống lại tình trạng viêm nhiễm, chống đông máu và ngăn ngừa tăng cân. Enzym bromelain cũng được xem là một chất phòng ngừa ung thư hiệu quả. Ngoài ra, vỏ thơm còn chứa axit folic và nhiều hợp chất có ích cho sức khỏe. Trong dân gian, người ta thường nấu nước vỏ thơm chung với gừng để giải nhiệt, thanh mát cơ thể, hỗ trợ chữa bệnh. Nhiều nơi trên thế giới, người ta còn cho thêm quế, đinh hương và táo nấu chung với vỏ thơm để tạo ra thức uống chống viêm và làm sáng da. Vì vậy, việc tận dụng vỏ thơm trong chế biến thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế và dinh dưỡng của loại phụ phẩm này.
“Bổ sung vỏ thơm cùng với gừng, bạc hà sẽ làm tăng giá trị dinh dưỡng cho trà; đồng thời tạo vị ngọt dịu và chua nhẹ tự nhiên đặc trưng, tạo ra sản phẩm trà túi lọc nhiều giá trị hơn so với các sản phẩm trà gừng, trà bạc hà hiện có trên thị trường”, Quý khẳng định sau khi đã tìm hiểu kỹ.
Lê Văn Quý mang sản phẩm “Trà túi lọc bạc hà kết hợp vỏ thơm và gừng” đến căn tin nhà trường pha mời khách dùng thử. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Mày mò tìm công thức và tỉ lệ vàng 2-2-1
Với một học sinh đang học nghề chế biến món ăn như Quý, việc bắt tay làm trà túi lọc vừa lạ vừa quen. Ban đầu, Quý lấy vỏ thơm, lá bạc hà và gừng đem sấy khô, xay bột để làm mẫu thử. Mỗi lần thử là một tỉ lệ phối trộn khác nhau, nhưng vẫn chưa thể hài lòng. Cậu đầu bếp tương lai trình bày ý tưởng với cô giáo dạy bộ môn sinh lý dinh dưỡng là ThS Văn Dương Tiểu Phượng. Được sự giúp sức, hướng dẫn của cô Phượng, Lê Văn Quý sáng ra nhiều điều. Hàng ngày sau giờ học, Quý chăm chỉ thu hái lá bạc hà ở vườn sinh học của trường, tìm đến vùng nguyên liệu thơm Đồng Din (huyện Phú Hòa) để mua thơm về lấy vỏ.
Các công đoạn xử lý nguyên liệu khá công phu. Gừng rửa sạch, cắt thành lát dày 0,5mm; lá bạc hà sau khi thu hái thì rửa sạch, để ráo nước; vỏ quả thơm rửa sạch, chần qua nước sôi. Tất cả được sấy khô, đến khi đạt độ ẩm 5-6% rồi đem đi xay nhuyễn. Kích thước bột càng mịn thì sẽ không gây ra hiện tượng nghẽn máy khi đóng gói trà.
Lê Văn Quý chia sẻ: Công đoạn phối trộn ba loại nguyên liệu rất kỳ công và quan trọng để tìm ra tỉ lệ phù hợp. Sau nhiều lần thử nghiệm, em và cô giáo hướng dẫn cũng tìm được hai công thức tỉ lệ vào “chung kết” gồm bạc hà: vỏ quả thơm: gừng tương ứng là 2:2:2 và tỉ lệ 2:2:1.
Kết quả từ các phân tích thí nghiệm cũng như ý kiến phản hồi từ người dùng thử cho thấy tỉ lệ phối trộn 2:2:1 là phù hợp nhất; với túi trà có trọng lượng 3g thì lượng nước pha tối ưu 100ml.
ThS Văn Dương Tiểu Phượng nói: “Điểm đặc biệt của sáng kiến này là tác giả tận dụng vỏ quả thơm Đồng Din, một loại phế phẩm từ trái cây đặc sản của Phú Yên. Sản phẩm thức uống này có công dụng thanh nhiệt, sảng khoái tinh thần, có lợi cho sức khỏe, giảm cân, phù hợp với nhiều người, nhất là những người bị bệnh tiểu đường. Hy vọng sau giải thưởng Euréka, đề tài “Trà túi lọc bạc hà kết hợp với vỏ thơm và gừng” của em Quý có thể tiếp tục các bước trở thành sản phẩm hàng hóa”.
Ước mơ của Quý
Sau chuyến nhận giải thưởng Euréka tại TP Hồ Chí Minh trở về, cậu học sinh nghề chế biến món ăn Lê Văn Quý vẫn còn cảm giác hồi hộp, phấn khởi của người lần đầu làm nghiên cứu khoa học.
Lê Văn Quý là một học sinh học nghề khá đặc biệt. Em sinh ra trong một gia đình 5 chị em, cha mất khi em mới 8 tuổi. Kinh tế gia đình Quý ở xã An Hiệp, huyện Tuy An khá khó khăn. Các chị lớn nghỉ học giữa chừng lập gia đình, lo cuộc sống riêng. Học đến năm lớp 11, Lê Văn Quý dừng học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Năm 2019, cậu học trò nghèo theo chị và người cùng quê vào Bình Dương làm công nhân, chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến, lại quay về. Thời gian này, Quý tích cực tham gia các hoạt động cùng thanh niên địa phương, có thêm nhiều trải nghiệm và nhận thức mới. Quý được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Phú 1 (xã An Hiệp). Từ đây, Lê Văn Quý dần lấy lại năng lượng tích cực và suy nghĩ chín chắn hơn, nhận thấy việc bỏ học giữa chừng là một sai lầm lớn.
Được sự động viên của mẹ, Lê Văn Quý quyết tâm nối lại việc học hành. Sau khi tìm hiểu, Quý chọn Trường cao đẳng Công Thương miền Trung học trung cấp nghề nấu ăn theo sở thích, vừa học văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. “Em đã học một năm nghề chế biến món ăn tại trường, vừa tranh thủ hoàn thành tốt công việc bí thư chi đoàn thôn của mình. Do thời khóa biểu học nghề và học văn hóa trùng nhau, nên từ năm học sau, em mới được học nối tiếp vào lớp 11”, Lê Văn Quý cho biết.
Ước mơ của Quý lúc này là đề tài “Trà túi lọc bạc hà kết hợp với vỏ thơm và gừng” sẽ hoàn thiện, có điều kiện sản xuất hàng hóa, bán ra thị trường. “Thêm một dự định nữa là sau khi ra nghề, em sẽ cùng những người bạn mở một quán ăn, có điều kiện thì theo học nâng cao tay nghề đầu bếp… Và dĩ nhiên sẽ tiếp tục học văn hóa để thi tốt nghiệp THPT”, Quý bộc bạch.
Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka là giải thưởng uy tín, được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức thường niên dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Đây là sân chơi bổ ích và ý nghĩa. Trường cao đẳng Công Thương miền Trung khuyến khích và luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho học sinh sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương miền Trung |
TRẦN QUỚI