Với mục đích dự báo và cảnh báo sớm để giảm thiệt hại rủi ro do thiên tai, mới đây, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro do: Bão, mưa lớn, nắng nóng, sạt lở do nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt cho Phú Yên” do TS Bùi Văn Chanh (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ) làm chủ nhiệm đã hoàn thành và được Hội đồng KH-CN tỉnh nghiệm thu.
Việc nghiệm thu đề tài và sớm đưa vào áp dụng sẽ giúp Phú Yên chủ động hơn trong việc dự báo, cảnh báo sớm các tình huống bất thường của thời tiết và thiên tai cực đoan.
Sự bất thường của thời tiết
Theo TS Bùi Văn Chanh, trước biến đổi khí hậu hay thời tiết cực đoan, nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật được xác định là nhóm có mức tổn thương cao nhất, cả về sức khỏe, tính mạng và sự phát triển bền vững. Mức độ rủi ro về khí hậu cực đoan và thiên tai ở những khu vực có mật độ dân số đông sẽ cao hơn các khu vực khác, nhất là trong điều kiện năng lực y tế hạn chế thì mức độ tổn thương sẽ rất cao. Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao trước biến đổi bất thường của thời tiết là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nơi cư trú… “Mục tiêu chính của đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro do: Bão, mưa lớn, nắng nóng, sạt lở do nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt cho Phú Yên” là phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai phục vụ công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn và tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
“Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá mức độ rủi ro do bão, mưa lớn, nắng nóng, sạt lở do nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đề tài cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai đến cấp xã, phường, thị trấn ứng với các loại hình thiên tai; đồng thời xây dựng chương trình hỗ trợ cảnh báo và dự báo chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Yên”, TS Bùi Văn Chanh cho hay.
Ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo sớm thiên tai
Theo TS Bùi Văn Chanh, sau hơn 3 năm (2019-2022) nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng bản đồ chi tiết các yếu tố khí tượng thủy văn bằng các mô hình tính toán hiện đại; xây dựng công cụ chi tiết theo không gian và được hiệu chỉnh, kiểm định đạt độ tin cậy. Các bản đồ chi tiết cấp độ rủi ro do thiên tai được xây dựng bằng phương pháp của IPCC (Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), vừa có tính khoa học, vừa phù hợp với thực tiễn của tỉnh Phú Yên. Mặt khác, nhóm cũng ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý toàn cầu) cùng với phương pháp tính toán rủi ro khoa học để nâng cao chất lượng bản đồ chi tiết cấp độ rủi ro do bão, ngập lụt, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán và sạt lở do nước biển dâng. Đặc biệt, chương trình truyền tải thông tin trên website được công nghệ GIS hỗ trợ để nâng cao hiệu quả truyền tin và khai thác, sử dụng nội dung cảnh báo chi tiết. “Các bản đồ chuyên đề bằng công nghệ GIS được xây dựng bằng số liệu, dữ liệu khí tượng thủy văn đảm bảo độ chính xác trên nền bản đồ địa hình tỉ lệ 1/10.000, bản đồ thảm phù và sử dụng đất tỉ lệ 1/25.000, 1/50.000 và bản đồ DEM (mô hình số độ cao) 90m, DEM 450m. Bản đồ các yếu tố khí tượng thủy văn, tính nhạy, khả năng chống chịu và phơi nhiễm được xây dựng bằng phần mềm MapInfo 15.0 và ArcGIS Desktop 10.8 đảm bảo chất lượng tốt để phục vụ công tác cảnh báo và phòng chống thiên tai”, TS Chanh thông tin.
Theo TS Đinh Thị Hải Vân (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro do: Bão, mưa lớn, nắng nóng, sạt lở do nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt cho Phú Yên” là rất cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao. “Nguyên nhân thiệt hại nặng nề bởi thiên tai xảy ra hàng năm là do công tác dự báo và cảnh báo thời tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ngoài ra, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai chưa được đầu tư hiện đại, còn nhiều thiếu sót, độ chính xác không cao. Đề tài này sẽ giúp ích cho tỉnh Phú Yên trong việc cảnh báo, dự báo sớm những hiện tượng bất thường của thời tiết, nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, TS Vân chia sẻ.
Còn theo TS Hoàng Văn Đại (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), đề tài này đã đưa ra nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo, dự báo sớm thời tiết, sẽ rất hữu ích cho ngành Nông nghiệp của tỉnh trong việc dự báo sớm về lịch thời vụ, gieo sạ, cảnh báo sớm cho người nông dân. “Kết quả của đề tài này sẽ giúp Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên làm tốt công tác dự báo, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, chi tiết bản tin dự báo cho các địa phương trong tỉnh, cũng như dự báo và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết đến cấp xã. Qua đó giúp người dân và các tổ chức chủ động phòng tránh thiên tai có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản”, TS Đại nhận xét thêm.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, cho hay đề tài này được Hội đồng KH-CN tỉnh nghiệm thu, xếp loại khá. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành hoàn thiện, sớm chuyển giao đề tài này để tỉnh đưa vào sử dụng trong thời gian đến.
Hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai của đề tài này sẽ giúp ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp của tỉnh Phú Yên chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương; đồng thời là cơ sở để các sở, ban ngành của tỉnh xây dựng phương án phòng chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trong thời gian đến.
TS Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
VĂN TÀI