“Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Thời gian qua, nhận thức về hoạt động SHTT của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chưa được đầy đủ, còn nhiều hạn chế. Do đó, nâng cao nhận thức về hoạt động SHTT là rất cần thiết”.
Đó là những trao đổi của TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam với phóng viên Báo Phú Yên nhân chuyến công tác tại Phú Yên mới đây. TS Trần Lê Hồng cho biết:
- Quyền SHTT có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Việt Nam đang hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới cho nên quyền SHTT cần phải thể hiện đúng vai trò là công cụ để phát triển kinh tế. Muốn vậy, nhận thức về SHTT cần phải được nâng cao từ các tổ chức và cá nhân, chứ không phải thuần túy từ những người làm công tác SHTT, là những bạn trẻ và học sinh, sinh viên. Vì vậy, bên cạnh các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, doanh nhân, Cục SHTT Việt Nam phối hợp với Sở KH-CN và các trường cao đẳng, đại học ở Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn về SHTT cho giới trẻ học đường như một sự chuẩn bị lâu dài. Điều này nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền SHTT, kiến thức về SHTT cho giảng viên, sinh viên và giúp họ nắm rõ quyền SHTT, góp phần khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
TS Trần Lê Hồng tập huấn về SHTT cho sinh viên, giảng viên Trường đại học Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN |
* Hiện nay, ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung, việc đăng ký cấp giấy chứng nhận SHTT, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu còn khá khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng. Chúng ta cần làm gì để nâng cao nhận thức, kiến thức cho các chủ thể biết đến SHTT, thưa ông?
- Khi nói đến việc phát triển và đăng ký các đối tượng SHTT thì chúng ta phải cho các chủ thể thấy được sự khác biệt và hữu ích trong kinh doanh giữa có và không có giấy chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, yếu tố đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về SHTT cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; cơ quan quản lý cần nắm vững kiến thức về SHTT và thật sự năng động để hỗ trợ, khuyến khích họ tham gia. Chúng ta phải làm sao cho các chủ thể khi tham gia vào SHTT thấy đây là vấn đề thật sự cần thiết, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, cũng như mang lại lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy một điều rằng, việc sử dụng hiệu quả hay không về SHTT còn phụ thuộc khá nhiều vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Nếu có điều kiện để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nhận thức về vai trò của quyền SHTT. Do đó, để nâng cao nhận thức, kiến thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân, tôi nghĩ rằng thời gian đến, Phú Yên cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm thế mạnh, như: thủy sản nuôi trồng, cá ngừ đại dương, sản phẩm nông nghiệp… Có như vậy mới có khả năng tạo ra sự khác biệt, có sức cạnh tranh trên thị trường và dễ dàng thâm nhập thị trường trong và ngoài nước.
* Vậy theo ông, làm gì để Phú Yên ngày càng có nhiều thương hiệu, nhãn hiệu và quyền SHTT?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 981 đối tượng sở hữu công nghiệp và dịch vụ đã được Cục SHTT Việt Nam bảo hộ. Trong đó có 2 giải pháp hữu ích, 32 kiểu dáng công nghiệp và 947 nhãn hiệu và dịch vụ. Ngoài ra, Phú Yên còn có 19 nhãn hiệu cộng đồng, gồm 14 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Một vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp ở Phú Yên khi muốn tham gia vào hoạt động SHTT là họ còn thiếu kiến thức về SHTT, kinh nghiệm và những điều kiện về tài chính. Do đó, Phú Yên nên có sự hỗ trợ hợp lý đối với các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như trong hoạt động SHTT. Cụ thể như trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chính quyền và các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập quyền đối với các nhãn hiệu khi đăng ký thương hiệu hoặc sử dụng các giải pháp kỹ thuật để sản phẩm khi đưa ra thị trường có sức cạnh tranh, hiệu quả, thiết thực. Tôi nghĩ, nếu giải quyết được các vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ hào hứng tham gia đăng ký quyền SHTT.
Trong thời gian tới, Cục SHTT cũng sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức cho nhiều người. Tất cả đều vì mục tiêu hiệu quả hoạt động quyền SHTT phục vụ việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
* Thưa ông, doanh nghiệp phàn nàn về thủ tục đăng ký SHTT còn khá nhiều bất cập, chưa thông thoáng. Thời gian đến, Cục SHTT có giải pháp gì để đơn giản thủ tục hành chính, giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình đăng ký tham gia SHTT?
- Thật ra, việc đăng ký nhãn hiệu không khó. Một nhãn hiệu thông thường, doanh nghiệp chỉ cần một tờ khai và chi phí nộp đơn. Việc khai tờ khai đó cũng không quá phức tạp, cá nhân, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu theo trang web của Cục SHTT Việt Nam và thực hiện theo hướng dẫn. Trường hợp đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý thì mất khá nhiều thời gian, do phải xây dựng quy chế quản lý và sử dụng phù hợp.
Hiện nay, Cục SHTT cũng đã đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp đơn trực tuyến, không cần phải đến Cục SHTT hay văn phòng tại TP Hồ Chí Minh…
* Xin cảm ơn ông!
Cục SHTT cũng sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức cho nhiều người. Tất cả đều vì mục tiêu hiệu quả hoạt động quyền SHTT phục vụ việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. |
VĂN TÀI (thực hiện)