Chọn ngành, chọn nghề chưa đúng sở trường, năng lực của bản thân khiến sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm còn nhiều, tình trạng thừa thầy thiếu thợ trong xã hội vẫn phổ biến. Để hạn chế tình trạng này, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp các trường THCS, THPT thực hiện chặt chẽ công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Khi học sinh được tham quan trường nghề
Nhằm định hướng cho việc chọn ngành nghề và phân luồng học sinh phổ thông cơ sở, năm học này, lần đầu tiên, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên thực hiện liên kết đưa học sinh lớp 9 đến trường tham quan trực tiếp để có sự hình dung rõ nét, trực quan sinh động về nghề nghiệp. Thay vì trước đây Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chỉ đến các trường tư vấn lý thuyết, thì việc chia học sinh thành các nhóm nhỏ và đưa đến trường tham gia những tiết thực hành thực tế đã giúp các em hình dung được những yêu cầu của ngành nghề và có lựa chọn phù hợp.
Thầy Phạm Hùng Anh, Phó Trưởng phòng phụ trách Đào tạo - Công tác học sinh sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên nói: Hầu hết học sinh cuối cấp THCS chưa hình dung được những ngành nghề có thể mình có sở trường, do đó nhà trường muốn các em trực tiếp quan sát, sau đó tư vấn các em về ngành nghề. Việc xác định được ngành nghề mình yêu thích, có sở trường, chọn học nghề sớm thay vì cố công học đến đại học, nhưng ngành nghề không phù hợp cũng là cách đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí cả thời gian, tiền bạc của chính mình và gia đình.
Tại buổi tham quan hướng nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) được tham gia một tiết học của Khoa Du lịch. Trực tiếp nghe giảng, xem những sản phẩm do các anh chị trường nghề làm ra, nhiều em khá thích thú bởi trong đó có những sản phẩm do những học sinh cũng chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS thực hiện, lứa tuổi không lớn hơn các em là bao. Học sinh Nguyễn Ánh Như Ý và Nguyễn Ngọc Hào bày tỏ buổi tham quan trực tiếp trường nghề giúp chúng em có nhiều thông tin và thực tế sinh động của việc học nghề, điều mà lâu nay chúng em ít được biết hay chỉ nghe thoáng qua. “Tham gia chương trình này, chúng em có được kiến thức về ngành nghề, từ đó tìm hiểu thêm những nghề phù hợp với bản thân để chọn theo đuổi trong tương lai”, Như Ý nói.
Phân luồng sớm để tránh lãng phí
Thực hiện kế hoạch của tỉnh về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đến năm 2025, một trong những giải pháp được đề cập là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh.
Sau tốt nghiệp THCS, các em được định hướng vào các hướng chính: một là học tiếp lên cấp THPT, hai là học ngay trung cấp nghề. Khi đã học nghề, các em có thể chọn vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên hoặc chuyên chú học thành nghề rồi trực tiếp tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, hầu hết học sinh lớp 9 và gia đình đều có chung mong muốn sẽ được tiếp tục học lên cấp THPT. Đây là mong muốn, nguyện vọng chính đáng, nhưng việc học sinh có đủ điều kiện, năng lực thi được vào lớp 10, tiếp tục học phổ thông rồi đại học hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức học, điều kiện tài chính gia đình…
Năm 2022, toàn tỉnh có 13.600 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong số này có 12.769 em đăng ký nộp hồ sơ thi và xét tuyển vào lớp 10. Chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 năm nay là 10.820 em vào các trường công lập. Như vậy, số học sinh không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 hoặc các em thi không đủ điểm theo các nguyện vọng đăng ký thì hướng đi phù hợp hơn cả là học nghề.
Với những học sinh lựa chọn học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS, các em có thể vừa học nghề vừa học chương trình văn hóa để sau đó tham gia kỳ thi quốc gia THPT, tiếp tục nâng cấp bằng nghề của mình. Theo TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, học sinh tốt nghiệp THCS chọn học trung cấp nghề và chương trình vừa học nghề vừa học văn hóa có rất nhiều lợi thế và lợi ích. Các em được miễn học phí hai năm, năm cuối dành thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT. “Những năm gần đây, mô hình đào tạo được triển khai rất hiệu quả, tỉ lệ học sinh đỗ THPT quốc gia rất cao, sau đó các em có thể học liên thông ngành nghề của mình lên cấp cao hơn như cao đẳng, đại học. Với hướng đi này, chi phí đầu tư cho việc học của các em ít hơn. Những em chỉ học nghề thì cũng có điều kiện tham gia thị trường lao động sớm hơn để lập thân, lập nghiệp”, TS Đặng Văn Lái nói.
Công tác định hướng nghề nghiệp giúp học sinh và phụ huynh nhận thức đúng đắn, tự đánh giá được năng lực bản thân để cùng gia đình lựa chọn đường đi hợp lý sau khi tốt nghiệp THCS có ý nghĩa quan trọng. Việc tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp THCS cần được thực hiện bài bản, khéo léo và chuyên nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất, không để lãng phí nguồn lực tài chính và nhân lực của xã hội.
TRẦN QUỚI