Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Phản biện, bổ sung nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Căn cứ Nghị quyết số 50 ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo, nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
Nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông cho biết: Hội thảo được tổ chức vào thời điểm có hai sự kiện ý nghĩa: Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 - Ngày hội của những người làm báo Việt Nam và nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý báo chí, nhà báo có dịp thảo luận, phản biện, bổ sung nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Có nhiều bài toán đặt ra cho các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.
Những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN |
Xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện
Thông tin liên quan đến Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình số 105/TTr-BTTTT ngày 17/12/2021 trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tờ trình số 54/TTr-BTTTT ngày 6/5/2022 trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Cùng đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Các đại biểu cũng khuyến nghị giải pháp để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát, chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng; đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.
Theo TTXVN/Vietnam+