Ông Đặng Hữu ở xã An Cư (huyện Tuy An) hỏi: Nuôi tôm ở đầm Ô Loan hay bị bệnh phân trắng, vậy làm thế nào để phát hiện tôm bệnh và phòng trừ?
Tôm thu hoạch cần bảo quản ngay bằng đá lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm - Ảnh: Q.ĐẠT |
- Bệnh phân trắng là một trong những bệnh gây nhiều thiệt hại cho nghề nuôi tôm sú trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phòng trừ bệnh chưa hiệu quả do đa số người nuôi tôm chưa xác định đúng nguyên nhân.
Triệu chứng tôm bệnh phân trắng: Xuất hiện nhiều phân tôm màu trắng trên sàng ăn. Một số phân trắng nổi trên mặt nước, nằm dọc bờ ao. Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc ở những ao nuôi có mật độ tôm cao, trên 40 con/m2.
Nguyên nhân: Có thể do tảo độc tiết ra độc tố phá hủy bộ phận gan tụy và đường ruột tôm (tảo đỏ có roi); tảo lam dạng sợi làm tróc lớp biểu mô trên đường ruột tôm (nước màu xanh lục đậm); tôm bị nhiễm khuẩn trên đường ruột; do nhiễm nguyên sinh động vật (Gregarina); do nhiễm độc tố thức ăn (Aflatoxin).
Phòng bệnh: Tăng cường mức nước trong ao (1,2 -1,5m). Không nên nuôi ở mật độ trên 40con/m2; không nên trộn nhiều chất béo vào thức ăn tôm. Thường xuyên trộn Oli-mos, Bayrolac (204g/kg thức ăn) vào khẩu phần ăn hàng ngày của tôm và cho ăn trong suốt vụ tôm. Sát trùng bằng nước Virkon A (0,5ppm) 15 ngày/lần để diệt khuẩn hoặc diệt vi sinh trong suốt vụ nuôi. Không cho màu nước quá đậm, nhất là màu xanh lục đậm.
Trị bệnh: Dùng Osamet Shrimp với liều 5 - 10g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 -7 ngày vào 2 suất ăn mạnh nhất trong ngày; đồng thời phải sát trùng nước bằng Virkon A (liều 1ppm). Sau khi điều trị hết bệnh, nên chuyển sang dùng liều phòng Oli-mos, Bayrolac sau đó 2 ngày. Nếu ao nuôi theo quy trình vi sinh, sẽ cấy lại vi sinh sau khi dùng Virkon A được 2 ngày.
Lưu ý: Hiệu quả trị bệnh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu phát hiện trễ, hiệu quả sẽ thấp hơn, vì lúc này tôm ít ăn hoặc bỏ ăn, nên không thể đưa thuốc qua thức ăn được. Xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp việc trị bệnh có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) hỏi: Có cách nào khắc phục khi tôm bị mềm vỏ? Làm thế nào bảo quản tôm sau thu hoạch để không bị giảm giá trị sản phẩm?
- Có 2 nguyên nhân gây mềm vỏ tôm: Thứ nhất do môi trường nuôi, những vùng nước lợ nhạt hoặc nước ngọt có lượng canxi và độ kiềm thấp làm ảnh hưởng đến sự hình thành vỏ tôm. Các ao nuôi nằm trong vùng nước thải công nghiệp hoặc bị nhiễm thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân gây mềm vỏ tôm. Thứ hai do thức ăn: Tôm cần một lượng chất khoáng đặc biệt là canxi và phốt pho để hình thành vỏ. Vitamin D giúp cho quá trình hấp thu chất khoáng của tôm được tốt hơn.
Để khắc phục bệnh mềm vỏ tôm, bà con nên chú ý: Cần đảm bảo pH từ 7,5 - 8,5 và duy trì độ kiềm trong ao. Bón vôi với liều lượng 10 - 15kg/1000m3 mặt nước. Chọn thức ăn đủ dinh dưỡng, đủ lượng canxi và phốt pho theo tỷ lệ 1:1. Không nên bổ sung quá nhiều canxi vì nếu lượng canxi trên 2,3% sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu các chất khoáng của tôm.
Để có chất lượng tôm tốt khi thu hoạch, phải đảm bảo 3 vấn đề “nhanh, sạch và lạnh”, tuyệt đối không đổ tôm xuống đất. Phải giết tôm ngay để tránh tôm bị hư hỏng và xây xát. Bà con có thể dùng một thùng sạch chứa 10 lít nước và 10kg đá lạnh vụn. Khi đá vừa tan, thả vào 20kg tôm để trong vòng 30 phút. Sau đó vớt tôm ra và để trong thùng xốp, cứ một lớp đá mịn đến một lớp tôm, độ dày của một lớp đá và một lớp tôm không quá một tấc. Để bảo quản lạnh 10kg tôm cần khoảng 10 - 20kg đá. Thời gian từ lúc thu hoạch đến khi chuyển tôm tới nhà máy chế biến không quá 24 giờ. Tuyệt đối không sử dụng muối hay hóa chất bảo quản.
KS NGUYỄN THỊNH