Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, trong vài năm trở lại đây, năng suất các loại cây trồng như lúa, mía ở huyện Phú Hòa đạt cao nhất tỉnh. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng cánh đồng có thu nhập cao từ năm 2006-2007 ở huyện Phú Hòa cũng được đánh giá có hiệu quả nhất.
Mô hình cấy lúa trình diễn vụ hè thu năm 2008 ở xã Hòa An huyện Phú Hòa – Ảnh: H.NAM |
Vụ đông xuân năm 2007-2008, dù điều kiện thời tiết sản xuất đặc biệt khó khăn, nhưng năng suất lúa của huyện Phú Hòa đạt 70,67 tạ/ha, trong khi đó một số địa phương khác như Tuy An, Đông Hòa năng suất lúa đông xuân giảm. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Hòa cho biết: “Chúng tôi xác định, để nông nghiệp phát triển bền vững thì phải chú trọng đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) cho nông dân. Có kiến thức, nông dân mạnh dạn áp dụng KHCN vào sản xuất”. Trong 6 tháng đầu năm 2008, huyện Phú Hòa đã tổ chức 35 lớp tập huấn với 2.162 lượt nông dân tham gia. Tiếp cận được kiến thức, nông dân đã áp dụng ngay cho ruộng lúa, vì thế vụ lúa đông xuân, một số địa phương đạt năng suất lên đến 82,5 tạ/ha như HTX Hòa Thắng 1, HTX Hòa Thắng 2, HTX Hòa An Đông và HTX Hòa An Tây.
Công tác chuyển giao KHCN đến với nông dân đã được huyện Phú Hòa chú trọng từ những năm trước đây. Năm 2007, huyện Phú Hòa đã tổ chức 68 lớp với 4.420 nông dân tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, nhân dân áp dụng các mô hình: 3 giảm 3 tăng, ứng dụng mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI)... Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa, các mô hình khuyến nông hiệu quả được nhân rộng từng năm, từ 140ha (năm 2006) lên đến 207ha (năm 2007), mỗi héc ta đất canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật tăng thêm 12,7 triệu đồng. Mô hình: Lúa –rau màu, cá-lúa, hoa tết-màu... được bà con nhân rộng đại trà ở các xã trong huyện. Chỉ tính riêng hợp tác xã Hòa An Đông chuyển đổi 6,9ha diện tích trồng lúa sang trồng màu, doanh thu đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Không trông chờ vào nguồn vốn đầu tư nhà nước, hiệu quả từ các mô hình này đã thu hút 1.048 hộ nông dân tự bỏ kinh phí đầu tư với diện tích 63,56ha.
Đa dạng hóa về lĩnh vực cây trồng và để bà con nông dân vận dụng kiến thức KHCN đến tận ruộng lúa, huyện Phú Hòa đã chọn một giải pháp triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Chính vì vậy, vụ đông xuân vừa qua đã có hơn 3.100ha lúa sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Kết quả này giảm chi phí về phân bón và giống hàng trăm triệu đồng. Bà Lê Thị Ba, ở xã Hòa Thắng tâm sự: “Tôi sản xuất 3.000m2 đất 2 vụ lúa, từ khi áp dụng mô hình sạ hàng tôi tiết kiệm hơn 1 triệu đồng so với sạ lan theo kiểu truyền thống”.
Hiện nay, Phú Hòa đang triển khai 2 đề tài khoa học. Đó là: Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm cây thanh long trên đất 2 vụ lúa cũng như trên đất màu tại xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa; Ứng dụng mô hình nuôi dông khảo nghiệm tại HTX 1 Hòa Định Tây và HTX Hòa An Tây. Kinh phí đầu tư cho 2 mô hình này 336 triệu đồng. Phó phòng Công thương huyện Phú Hòa Lê Quốc Tuấn cho biết: “Mô hình khảo nghiệm cây thanh long nhằm đa dạng hóa giống cây ăn quả. Mô hình này chúng tôi đưa ra giải pháp kinh tế xử lý thuốc kích thích tạo thanh long ra hoa trái vụ để tăng thu nhập cho nông dân”.
MẠNH HOÀI