Thứ Ba, 30/04/2024 20:53 CH
Từ sản phẩm nghiên cứu đến sản xuất hàng hóa
Thứ Hai, 13/12/2021 15:00 CH

TS Lê Xuân Sơn (phải) hướng dẫn nhóm thực hiện dự án thanh trùng sản phẩm nước uống từ rong nâu. Ảnh: CTV

Dự án Nước uống rong biển của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đạt giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 - Startup Kite năm 2021, đang được nhà trường hỗ trợ sản xuất, hướng đến thương mại hóa sản phẩm trong năm 2022.

 

Sản phẩm nước uống từ rong nâu

 

Nhóm tác giả của dự án trên gồm: Võ Thu Ly, Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc, Huỳnh Thị Ngọc Tuyền, Nguyễn Thị Thúy Hằng đều là sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành chế biến thực phẩm.

 

Trưởng nhóm thực hiện dự án Võ Thu Ly cho biết, rong nâu có chứa các thành phần giá trị như: axit amin, vitamin, khoáng chất, polyphenol, các hợp chất chứa iod, alginate, fucoidan… Trong đó, fucoidan có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm; alginate hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày, phlorotannin chống oxy hóa, kháng nấm, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường… Theo khảo sát của nhóm thực hiện dự án, đa phần nguồn rong nâu của Phú Yên mới chỉ được người dân khai thác, bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp. Một số ít rong nâu khô được các hiệu thuốc đông y bán như một loại thảo dược để trị bệnh bướu cổ hay được người dân sử dụng để nấu nước uống, nấu canh... “Từ những lý do này mà nhóm thực hiện dự án quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu rong nâu có nhiều ở địa phương, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm nước uống dinh dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có lợi cho sức khỏe”, Ly cho biết.

 

Về quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ rong nâu, Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc, thành viên nhóm thực hiện dự án, cho biết sau khi thu hoạch, rong được rửa sạch tạp chất, phân loại và sấy khô, đạt tiêu chuẩn: độ ẩm <22%, hàm lượng muối <0,8% và tạp chất <3% sau đó đóng gói, bảo quản ở nhiệt độ phòng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng để dành làm nguyên liệu sản xuất quanh năm. Khi tiến hành sản xuất, rong khô được ngâm nước trong khoảng 10 giờ rồi rửa sạch, loại bỏ muối, vi sinh vật và các tạp chất, xay nhỏ để rong đạt kích thước khoảng 0,1-0,2 mm.

 

Sau sơ chế, rong nâu được cho vào máy chiết xuất các dưỡng chất. Quá trình chiết xuất được thực hiện trong điều kiện tối ưu: Tỉ lệ dung môi/rong nguyên liệu là 20/1, tỉ lệ enzyme Viscozyme L/rong khô là 0,06%, pH 5, nhiệt độ chiết 50C và thời gian chiết 3 giờ (tính từ thời điểm nhiệt độ hỗn hợp chiết đạt 500C). Sau khi tách chiết các hoạt chất từ rong nâu, tiến hành lọc, phối trộn, đồng hóa, rót chai, đóng nắp, thanh trùng, làm nguội và cuối cùng là dán nhãn để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn theo quy định.

 

Nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường

 

Dự án Nước uống rong biển là một trong số bảy dự án của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên được vào vòng bán kết Startup Kite 2021; và là dự án duy nhất của trường đạt giải khuyến khích tại cuộc thi. Trước khi tham gia Startup Kite 2021, nhóm thực hiện dự án đã sản xuất thử nghiệm thành công và cho ra sản phẩm mẫu, được nhiều người dùng thử đánh giá cao.

 

Hiện nay, thị trường thức uống dinh dưỡng có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nhà trường ra đến thị trường chưa bao giờ dễ dàng vì thương mại hóa sản phẩm phải gắn với kinh doanh. “Ở đây, sản phẩm nước rong biển của nhóm mới ở dạng sản phẩm nghiên cứu trong nhà trường, nên cả người hướng dẫn và nhóm nghiên cứu, dù thành công sản phẩm mẫu còn cần rất nhiều kiến thức, điều kiện tạo nền tảng cho dự án khởi nghiệp phát triển thành công, đưa sản phẩm vào sản xuất hàng hóa. Điều này rất cần sự hỗ trợ của nhà trường”, TS Lê Xuân Sơn, giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện dự án nói.

 

Theo TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, dự án khởi nghiệp không phải là điều gì quá to tát mà phải xuất phát từ ý tưởng, niềm đam mê trong chính mỗi người. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến việc tạo ra sản phẩm và đưa được sản phẩm ra thị trường, ứng dụng vào cuộc sống là cả một quá trình dài nghiên cứu, phát triển, kết nối và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nhà trường luôn đồng hành cùng các ý tưởng, dự án như vậy để cho ra sản phẩm thực tế đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thị trường. “Để hỗ trợ cho nhóm thực hiện dự án, thời gian đầu, nhà trường sẽ cấp kinh phí để sản xuất vài trăm sản phẩm, giá cạnh tranh nhằm tìm hiểu thị trường. Đồng thời động viên nhóm tác giả tiếp tục theo đuổi dự án, có những cách tiếp cận thị trường sáng tạo, khả thi. Nhà trường cũng sẽ tìm phương án đầu tư, phát triển, thương mại hóa sản phẩm thành công”, TS Đặng Văn Lái khẳng định.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek