Chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống từ ngày 2/11, Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên, sinh viên có nhiều điểm mới được các trường đại học kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào NCKH trong trường học.
Nhiều điểm mới thiết thực
Chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống từ 2/11, Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT sẽ thay thế cho Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT. Thông tư 26 quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn cũng như sinh viên trong hoạt động NCKH, đặc biệt có nhiều nội dung mang tính động viên thiết thực. Cụ thể, ngoài việc quy định giảng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn cho sinh viên, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và quy định hiện hành, Thông tư 26 còn cho phép giảng viên hướng dẫn được tính giờ NCKH, hưởng mức thù lao và quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, người hướng dẫn sinh viên NCKH có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng KH-CN trong và ngoài nước hoặc kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và hình thức khen thưởng khác.
TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường đại học Phú Yên), cho hay: “Đối với các trường đại học, kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên có vai trò then chốt trong quá trình phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc cần có những chính sách hỗ trợ phát triển cho hoạt động này. Chính sách khuyến khích giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH không chỉ thúc đẩy tính bền vững của hoạt động nghiên cứu, mà còn tạo ra hệ sinh thái thi đua NCKH rất tốt cho các trường”.
Là một trong những trường đại học có phong trào NCKH phát triển mạnh, trong những năm qua, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung luôn tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu, số lượng đề tài tăng đáng kể. Trong năm 2021, trường có 45 đề tài cấp trường, trong đó đã hoàn thành 5 đề tài trọng điểm cấp trường; nghiệm thu 3 đề tài cấp bộ; 4 giáo trình xuất bản… Đối với sinh viên, toàn trường có 19 đề tài NCKH được nghiệm thu. “Nhà trường chủ động xây dựng chính sách khuyến khích cả người học và người hướng dẫn khi tham gia hoạt động NCKH. Với người hướng dẫn, ngoài khuyến khích bằng tài chính, trường còn tính thành tích NCKH và quy đổi thành giờ NCKH. Ngoài ra, giảng viên cũng được ưu tiên xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nếu có thành tích xuất sắc trong hướng dẫn. Sinh viên cũng được hỗ trợ kinh phí NCKH; được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, rèn luyện…”, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong giảng viên, sinh viên
Trên cơ sở tiếp thu nội dung của thông tư mới, các trường sẽ rà soát, điều chỉnh quy định hiện tại phù hợp và mang tính khuyến khích hơn đối với các đối tượng liên quan với mục tiêu cuối cùng là hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ công tác NCKH của giảng viên và sinh viên. Em Lê Thu Trang, sinh viên Trường đại học Phú Yên chia sẻ: Sinh viên sẽ được hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện trong nghiên cứu (sử dụng tài liệu, cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, được giới thiệu đến các đối tượng nghiên cứu liên quan...) và quy đổi điểm khuyến khích học tập, hỗ trợ công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành và ưu tiên xét học bổng, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nếu có thành tích cao trong NCKH… Đây là động lực để chúng em cố gắng và tích cực tham gia NCKH hơn.
Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH của sinh viên luôn được Nhà nước chú trọng và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm lực và yêu cầu, hoạt động NCKH trong sinh viên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Tỉ lệ sinh viên tham gia NCKH trên tổng số sinh viên các trường còn thấp; đề tài nghiên cứu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định; số lượng kết quả NCKH của sinh viên được công bố chưa nhiều; chất lượng tham gia thực hiện đề tài của sinh viên thiếu tính bền vững. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như năng lực và phương pháp nghiên cứu của sinh viên có những hạn chế; nhà trường chủ yếu vẫn dựa vào kết quả bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi kết thúc môn học nên người học vẫn phải dành phần lớn thời gian để có được kết quả học tập tốt nhất, thay vì đầu tư NCKH. Mặt khác, việc hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài từ phía nhà trường thực tế vẫn có, nhưng nhìn chung chỉ mang tính chất động viên, tùy vào điều kiện từng trường và sinh viên chỉ được nhận sau khi công trình đã hoàn thành.
Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn ngoài việc được tính giờ nghiên cứu, ưu tiên khi đề xuất khen thưởng thì chưa được hỗ trợ tài chính đúng mức. Thời gian cho công việc giảng dạy chiếm đa số nên một số giảng viên cũng không mặn mà động viên sinh viên NCKH cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, với những điểm mới ưu việt, Thông tư 26 được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để sinh viên, giảng viên quan tâm đầu tư hơn cho NCKH.
THÚY HẰNG