Thứ Ba, 26/11/2024 09:43 SA
Đào tạo, đào tạo lại nghề theo xu hướng mới
Chủ Nhật, 24/10/2021 07:00 SA

Năm 2022, sẽ có nhiều ngành nghề mới được đào tạo, đào tạo lại tại các cơ sở GDNN để đáp ứng nguồn nhân lực thời đại 4.0. Ảnh: MẠNH THÚY

Một số nghề đang là xu hướng với các kỹ năng mới sẽ được xây dựng và thí điểm triển khai đào tạo ở trình độ cao đẳng và trung cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Xác định ngành, nghề đào tạo mới

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1446/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Mục tiêu của chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

 

Chương trình đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới một năm; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở GDNN và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở GDNN, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại. Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở GDNN được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở GDNN hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác.

 

Theo khảo sát của Tổng cục GDNN, 6 nghề đang là xu hướng, sẽ được đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp gồm: Giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D. Bên cạnh đó, một số nghề khác theo hướng cập nhật, nâng cao đáp ứng công cuộc chuyển đổi số như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện - điện tử, tự động hóa, các nhóm ngành nghề như công nghiệp chế biến, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch dịch vụ, dệt may - giày da, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ô tô, cơ khí nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và một số ngành nghề khác. Dự kiến, 20 nghề sẽ được lên chương trình trong năm nay và sang năm 2022 bắt đầu tuyển sinh.

 

Nhiệm vụ quan trọng để phát triển thị trường lao động

 

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết: Tổng cục đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại.

 

Đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%. Con số này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đang hạn chế các cơ hội phát triển kỹ năng của người lao động. Vì vậy, xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu.

 

Tại cuộc họp trực tuyến về xác định ngành, nghề đào tạo mới và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Tổng cục GDNN tổ chức, đại diện các trường vàdoanh nghiệp đều thống nhất cao về sự cần thiết của việc đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực theo xu hướng mới. Đây làmột nhiệm vụ quan trọng nhằm khôi phục vàphát triển thị trường lao động.

 

Ông Ngô Quốc Thoại, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH CCIPY Việt Nam (Khu công nghiệp An Phú) cho hay: Ngành hàng sản xuất của CCIPY là linh kiện điện tử, một trong những ngành nghề theo hướng cập nhật, nâng cao đáp ứng công cuộc chuyển đổi số. Do đó, doanh nghiệp luôn chú tâm vào giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, để nâng cao chất lượng nguồn lực trong tương lai. Vừa qua, doanh nghiệp đã làm việc với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung để phối hợp đào tạo lại nguồn nhân lực. Mặt khác, doanh nghiệp luôn khuyến khích công nhân lao động tự tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ bản thân.

 

Hiện các cơ sở đào tạo GDNN đã sẵn sàng cho việc đào tạo, đào tạo lại nghề theo xu hướng mới. Hy vọng với việc đào tạo theo định hướng của Quyết định 1446/QĐ-TTg này sẽ bắt kịp sự thay đổi của thị trường lao động trong thời gian tới.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek