Với lộ trình tăng học phí của các trường thực hiện tự chủ như hiện nay, không ít thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay đã phải đắn đo khi lựa chọn ngành, trường theo học.
Băn khoăn học phí
Thích ngành luật nhưng chỉ thi được 21,5 điểm nên Nguyễn Quốc Anh khó có thể “chen” vào được các trường đại học top trên như Luật TP Hồ Chí Minh, Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Các trường đại học còn lại có đào tạo ngành luật thì nhiều, song để chọn được trường vừa có uy tín trong đào tạo vừa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình em thì mới khó. Chị Đào Thị Thủy - mẹ Quốc Anh cho hay: “Con nằng nặc phải học luật tại một trường ở Sài Gòn như đại học Văn Lang, đại học Tôn Đức Thắng… Nhưng ngặt nỗi các trường này học phí rất cao. Tôi muốn con học luật tại Trường đại học Quy Nhơn hay Trường đại học Đà Lạt, vì các trường này học phí vừa phải. Hiện hai mẹ con vẫn phải tìm hiểu thêm rồi mới điều chỉnh nguyện vọng”.
Học phí cao - thấp đang là bài toán đối với nhiều gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn trường của các thí sinh. Trong khi xu hướng tăng học phí của các trường đại học là không tránh khỏi khi bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính. Chẳng hạn, năm học 2021-2022, 3 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Kinh tế - Luật, Trường đại học Công nghệ thông tin sẽ có mức học phí mới với tân sinh viên.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa, cho biết theo quyết định tự chủ, mức học phí đối với tân sinh viên (hệ đại trà) trúng tuyển năm 2021 là 25 triệu đồng/năm. Đối với sinh viên những khóa cũ sẽ áp dụng mức học phí theo Nghị định 86 (năm 2021 là 11,7 triệu đồng/năm).
Đối với Trường đại học Kinh tế - Luật, tân sinh viên hệ đại trà năm 2021 sẽ đóng học phí 18,5-20,5 triệu đồng. Những năm tiếp theo sẽ điều chỉnh tăng không quá 10% theo lộ trình đã cam kết trong quyết định tự chủ. Mức học phí cũ theo Nghị định 86 của Chính phủ là 9,8 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Trường đại học Công nghệ thông tin công bố mức học phí năm 2021 với hệ chính quy là 25 triệu đồng, những năm tiếp theo sẽ tăng lần lượt là 30 triệu đồng năm (2022), 35 triệu đồng/năm (2023) và 42 triệu đồng/năm (2024).
Học phí leo thang
Học phí khi các trường đại học thực hiện tự chủ và dần tiến tới tự chủ là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi ảnh hưởng thiết thực đến từng gia đình, từng thí sinh trong quyết định lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THPT. Tân sinh viên trúng tuyển vào các trường tự chủ trong năm nay sẽ chịu mức học phí mới. Sinh viên các khóa cũ thì vẫn được áp dụng mức học phí theo Nghị định 86.
Hiện cả nước có gần 240 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài 23 trường đại học được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, nhiều trường khác đã và đang thực hiện lộ trình chuyển sang tự chủ trong những năm tới. Thực hiện tự chủ, trong đó vấn đề học phí đại học tăng được bàn luận nhiều trong các hội thảo và trên các diễn đàn. Nhiều lo ngại được đặt ra, như cách nào để tránh việc “tận thu”, cơ chế giám sát ra sao để học phí không “tăng phi mã”, khiến con em của các gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học?
Về vấn đề này, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã nêu rõ các trường đại học tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cũng cần cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học đại học của người học...
Thực tế năm học 2020-2021 cho thấy, các trường đại học công tự chủ thực hiện thu học phí trong khoảng 20,5-50,5 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3,5 lần so với mức trần học phí chương trình tương đương tại trường chưa tự chủ. Năm học 2021-2022, theo đề án tuyển sinh của các trường, học phí đại học tiếp tục tăng. Vì vậy, thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành, chọn trường để đảm bảo được kinh phí trong suốt quá trình học tập.
THÚY HẰNG