Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ra mắt hồi tháng 2/2008 và mới đây là dự thảo quy định tài trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) chủ trì, đang là những sự kiện được giới khoa học quan tâm. Không phải đến bây giờ, những tài trợ nghiên cứu khoa học mới được đề cập đến mà trước đó, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã có những tài trợ cho nghiên cứu, phát triển KH-CN cả ở cấp nhà nước lẫn địa phương.
Nghiên cứu khoa học ở Trung tâm khuyến ngư Phú Yên – Ảnh: M.NGUYỆT |
“ĐẦU TƯ” MANG TÍNH...ĐÒN BẨY
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Quỹ Phát triển KH-CN là một bước tiến trong chính sách phát triển KH-CN. Với 200 tỉ đồng/năm và có thể nhiều hơn cho các năm sau cùng với sự huy động đóng góp nguồn vốn ngoài ngân sách như các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế, quỹ hứa hẹn sẽ là “đòn bẩy” cho nhiều công trình, dự án khả thi mang lại thành tựu. Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng đang chủ trì hoàn thiện dự thảo quy định tài trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học. Động thái tích cực này đang được giới khoa học rất quan tâm bởi những mức hỗ trợ không kém phần hấp dẫn mà còn áp dụng chế độ trả lương cho nhà khoa học theo hệ số chất xám.
Theo dự thảo, mức nhận tài trợ đối với các đề tài nghiên cứu lý thuyết tối đa là 20.000 USD/đề tài, nghiên cứu thực nghiệm tối đa 25.000 USD/đề tài (chưa bao gồm chi phí mua nguyên vật liệu và thuê máy móc thiết bị) và nghiên cứu mang tính thăm dò khám phá tối đa là 10.000 - 12.000 USD. Điều đáng nói, dự thảo đã đề cập việc áp dụng chế độ trả lương chủ nhiệm đề tài, thành viên nghiên cứu chủ chốt; thư ký khoa học, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ khác theo bậc lương và hệ số chất xám.
Tuy nhiên, những tiêu chí đưa ra để nhận tài trợ cũng khá khắt khe, và chính điều này được xem là lựa chọn “đúng người, đúng việc”, loại bỏ những nhà khoa học không thực chất.
DOANH NGHIỆP CẦN ĐẦU TƯ CHO KH – CN
Phải khẳng định rằng thụ hưởng các thành tựu khoa học hầu hết thuộc về doanh nghiệp (DN) để từ đó phục vụ lại đời sống kinh tế - xã hội. Thế nhưng, bên cạnh “đầu tư” mang tính “đòn bẩy” từ ngân sách Nhà nước, các DN trong nước rất hạn chế đầu tư đổi mới công nghệ. Mặc dù thực hiện Nghị định 119/1999/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động KH-CN, nhưng xem ra hiệu quả mang lại chưa đạt mong muốn.
Theo kết quả khảo sát mới đây tại 1.200 DN Việt Nam của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ), chỉ có khoảng 0,1% doanh thu hàng năm của DN được dành cho đổi mới công nghệ, thiết bị. Việc nhập khẩu công nghệ hàng năm của các DN Việt
Chính vì vậy, cần nhìn nhận rằng, ngoài việc tài trợ từ ngân sách nhà nước cũng như huy động tự nguyện đóng góp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho nghiên cứu, phát triển KH-CN, phải có những chế tài, hỗ trợ thiết thực để chính các DN đầu tư cho KH-CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của chính mình, tạo sức cạnh tranh và phục vụ tốt cho đời sống. Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, không thể trông chờ mãi “hầu bao” tài trợ của ngân sách nhà nước mà đã đến lúc phải vận động và xã hội hóa mạnh hơn nữa đầu tư cho KH-CN.
HỮU BẰNG - (SGGP)