Thứ Ba, 04/02/2025 03:43 SA
Quá ít bài nghiên cứu của Việt Nam trên các tạp chí khoa học quốc tế
Thứ Hai, 09/06/2008 07:30 SA

Trên trường quốc tế, trình độ và năng lực của các nhà khoa học và cả các quốc gia được đánh giá qua số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học chuẩn mực quốc tế và số bằng phát minh, sáng chế được cấp bởi các cơ quan quốc tế có uy tín.

 

tn-080609.jpg
Nghiên cứu khoa học ở Trường ĐH Phú Yên - - Ảnh: M.NGUYỆT

 

CÁC CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM RẤT ÍT

 

Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information – ISI, website: www.isinet.com), có trụ sở tại Mỹ, tiến hành các thống kê trên cơ sở gần 10.000 tạp chí khoa học tiêu biểu được chọn lọc trong tổng số hơn 100.000 tạp chí đủ loại trên thế giới. Theo ISI, các nhà khoa học VN đã công bố từ đầu năm 1997 đến hết năm 2007 tổng cộng 4.667 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chuẩn mực, chỉ bằng 1/3 số bài của Malaysia, 1/5 của Thái Lan, dưới 1/11 của Singapore, 1/45 của Hàn Quốc, 1/110 của Trung Quốc và 1/700 của Mỹ.

 

Xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tự ta làm được), sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn, chỉ là 20%, còn lại là do hợp tác với quốc tế. Điều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế.

 

Tại sao đội ngũ khoa học công nghệ của chúng ta tuy đông về số lượng nhưng lại yếu về chất lượng? Tư duy nào đã cản trở bước tiến tới hội nhập của khoa học VN những năm qua? Không ít người có đủ mọi bằng cấp và chức danh ở ta thường tìm cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy biện rằng chúng ta còn nghèo, trình độ chung còn thấp, rằng họ thực hiện các đề tài “nghiên cứu ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố quốc tế như một số “nghiên cứu lý thuyết”? Lập luận đó vẫn cứ được bám giữ trong nhiều năm.

 

bang-080609.jpg

ĐÂU PHẢI TIỀN NÀO CỦA ẤY!

 

Động lực nghiên cứu chất lượng để công bố quốc tế ở VN hiện nay mới chỉ xuất phát từ hai nguồn bên ngoài: Cơ hội được ra nước ngoài cộng tác hay làm thuê (như ở các ngành toán và vật lý) và từ các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong nước được quốc tế tài trợ và có sự lãnh đạo của chuyên gia nước ngoài (như trong các lĩnh vực khoa học sự sống). Động lực công bố quốc tế nội lực gần như không có: từ các đề tài nghiên cứu ứng dụng trọng điểm kinh phí lớn cấp bộ ngành, cấp Nhà nước tới các đề tài nghiên cứu cơ bản kinh phí nhỏ hơn, các đầu tư chiều sâu, phòng thí nghiệm trọng điểm, các tiêu chuẩn chức danh, bằng cấp, trên thực tế, đều phớt lờ đòi hỏi cần có về công bố quốc tế. Điều đó dẫn tới số lượng ít ỏi các kết quả nội lực đạt chuẩn mực quốc tế và chất lượng rất thấp của các đề tài, chức danh khoa học.

 

Có ý kiến cho rằng tiền nào của ấy, nhưng thực tế cho thấy số ít các đề tài trong nước được công bố quốc tế lại thường không phải là các đề tài được cấp nhiều tiền.

 

Cần tăng kinh phí nghiên cứu là đúng, nhưng hãy nhớ rằng cho dù kinh phí cho khoa học từ ngân sách Nhà nước được tăng mạnh hằng năm, nay đã vượt 400 triệu USD/năm, số bài báo quốc tế từ nội lực vẫn chỉ đứng xung quanh con số 80 bài/năm trong suốt 10 năm qua – một mức hiệu quả có lẽ vào hàng thấp nhất trên thế giới. Nói rằng ta thiếu đầu tư thiết bị nghiên cứu – cũng đúng, nhưng hãy xem bao thiết bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia đã được đầu tư nhưng không được khai thác hiệu quả?   

 

3 cốt lõi:  Môi trường, chuẩn mực, chính sách

 

Để đổi mới khoa học, việc tiên quyết phải làm là thiết lập môi trường khoa học lành mạnh dựa trên các chuẩn mực quốc tế đã được xác lập thông qua các bài báo ISI, các phát minh, sáng chế, sản phẩm mới hữu dụng - đóng vai trò như tiêu chuẩn thị trường trong kinh tế. Mọi chương trình khoa học, các đề tài nghiên cứu, các bằng cấp và chức danh khoa học đều phải được xây dựng và được đánh giá tính hiệu quả trên cái nền này.

 

Cử người đi đào tạo thôi chưa đủ, chúng ta cần có chính sách đồng bộ để hấp dẫn những người tài trở về và tạo điều kiện thuận lợi để họ phấn đấu nghề nghiệp, có được thu nhập thỏa đáng dựa theo kết quả chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh các trường ĐH đại trà đáp ứng nhu cầu đại chúng giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải xây dựng các trường ĐH nghiên cứu đầu tàu, hoặc trước tiên là các nhóm nghiên cứu đầu tàu trong các trường ĐH...

 

TS PHẠM ĐỨC CHÍNH  (Viện Cơ học) - (NLĐ)

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek