Chủ Nhật, 06/10/2024 17:28 CH
Từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến các dịch vụ thông minh
Thứ Bảy, 16/01/2021 10:10 SA

Công chức Cục Thuế Phú Yên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế. Ảnh: VIỆT AN

Trả lời báo chí tại buổi họp báo ngay sau bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Muốn đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững thì cần tập trung bốn nền móng và ba trụ cột. Trong bốn nền móng và ba trụ cột đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng hạ tầng CNTT được xem như “hạ tầng của hạ tầng”, hướng đến các dịch vụ thông minh, quản lý kinh tế số, xã hội số trong điều kiện đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

 

Những kết quả hết sức quan trọng

 

Dấu ấn của việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành năm 2020 rõ nét nhất là thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Các hoạt động tập trung đông người đều tạm dừng, nhưng mọi hoạt động quản lý kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương vẫn duy trì trên môi trường mạng. Việc cài đặt ứng dụng Bluezone trong phát hiện người đã tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 cũng là điểm cộng trong sử dụng CNTT để phòng chống dịch bệnh. Trên lĩnh vực truyền thông, ứng dụng CNTT để giám sát thông tin xấu độc, truyền thông trên không gian mạng, tuyên truyền đậm nét đại hội đảng các cấp, truyền thông về phòng chống dịch bệnh, thiên tai cũng được các cơ quan Tuyên giáo, TT-TT, Công an, Báo Phú Yên, Đài PT-TT… phối hợp nhịp nhàng, mang lại hiệu quả tích cực.

 

Đến cuối năm 2020, Trục liên thông văn bản điện tử tỉnh Phú Yên đã liên thông đến 100% cơ quan nhà nước; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Văn bản gửi - nhận qua trục liên thông này đã giảm thời gian, chi phí in ấn, hành chính, tem thư với ước tiết kiệm trên 2,8 tỉ đồng cho ngân sách. Văn bản được xử lý hoàn toàn điện tử đã đạt 95%. 100% các sở, ban ngành và địa phương sử dụng chữ ký số, chứng thư số, mail công vụ. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp cho 141 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ. Đồng bộ, cập nhật đầy đủ 1.680 thủ tục hành chính của tỉnh lên cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp 36 thủ tục hành chính có mã số thủ tục lên cổng dịch vụ công quốc gia… Đây là những kết quả hết sức quan trọng để Phú Yên hoàn thiện chính quyền điện tử, triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp… thông minh.

 

Còn nhiều việc phải làm

 

Phú Yên vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để hoàn thiện chính quyền điện tử, triển khai các nhiệm vụ tiếp theo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Là một địa phương có xuất phát điểm thấp, suất đầu tư cho hạ tầng CNTT nhiều nhiệm kỳ qua rất thấp, chưa tới 0,5% tổng thu ngân sách hàng năm. Trong khi nhiều địa phương, con số này đã hơn 1%. Nguồn nhân lực CNTT đang thiếu trầm trọng. Toàn tỉnh chỉ có 65 biên chế công chức, viên chức có chuyên môn về CNTT tại các sở, ngành, địa phương. TT-TT là ngành gần như không có “cánh tay nối dài” ở cấp huyện, nhân sự các phòng VH-TT chủ yếu triển khai các nhiệm vụ của ngành Văn hóa. Tuyến xã, phường vừa thiếu cán bộ chuyên trách, vừa thay đổi thường xuyên do luân chuyển. Một số đơn vị còn cho rằng việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ của ngành TT-TT, Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh…

 

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay trong quý IV/2020, ngành TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các công việc cụ thể như: xin chủ trương xây dựng Trung tâm Dữ liệu tỉnh Phú Yên (Data center) đặt tại UBND tỉnh, ánh xạ dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu Sở TT-TT, xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát không gian mạng (SOC), hệ thống camera giám sát có sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ đã triển khai như trục LGSP, Hệ thống thông tin báo cáo, triển khai Internet protocol version 6 (IPv6) trong các cơ quan nhà nước tỉnh giai đoạn 2020-2022, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin…

 

Với những kết quả đã đạt được, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nếu các sở, ngành, địa phương quyết tâm, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ, sự giúp đỡ của Bộ TT-TT cùng các bộ, ngành Trung ương, chắc chắn lĩnh vực TT-TT tiếp tục có những khởi sắc trong thời gian tới.

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Thúc đẩy đầu tư phát triển các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghiệp, công nghệ thông tin, kinh tế số, các dịch vụ đô thị thông minh. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao mọi lúc, mọi nơi…”.

 

TRẦN THANH HƯNG

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek