Dự án Góp phần bảo vệ môi trường - đa dạng sinh học vùng ven biển tỉnh Phú Yên thông qua việc xây dựng mô hình xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh bằng phương pháp sinh học đã được thực hiện tại Phú Yên 2 năm. Dự án này do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, đã mang lại hy vọng mới cho người nuôi tôm sú.
Ban quản lý dự án kiểm tra tôm nuôi ở mô hình thực hiện tại hộ ông Lê Văn Hải - Ảnh: L.KHA
Ông Lê Văn Hải ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) là một trong 8 hộ nông dân đầu tiên ở Phú Yên tham gia dự án Góp phần bảo vệ môi trường- đa dạng sinh học vùng ven biển thông qua việc xây dựng mô hình xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm. Năm 2006, cả đồng tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) chìm trong dịch bệnh, hơn 90% người nuôi tôm lỗ vốn. Trong khi đó, gần 1 ha tôm của ông Hải không hề bị dịch bệnh, khi thu hoạch ông thu lợi hơn 50 triệu đồng. Hồ tôm của ông Hải được ngăn hai, một phần thả tôm nuôi, phần còn lại nuôi cá rô phi, rong đuôi chồn, rong cây. Nước từ sông trước khi vào hồ tôm được cho qua ngăn nuôi cá và nuôi rong. Ngược lại, khi xử lý nước trong hồ nuôi tôm, những vùng đáy hồ có nhiều chất thải sẽ được dùng máy xiphông hút nước đáy cho qua ô nuôi cá, nuôi rong trước khi cho thải ra ngoài. Theo quy trình này, các chất thải, thức ăn dư thừa của tôm sẽ được cá rô phi “xử lý”, các chất gây ô nhiễm khác sẽ được các loại rong “dọn sạch”. Trong vụ tôm đông xuân 2007– 2008 vừa qua, ông Lê Văn Hải có năng suất tôm thu hoạch 3 tấn/ha, doanh thu đạt hơn 119 triệu đồng, lợi nhuận hơn 45 triệu đồng.
Những hộ nuôi tôm tham gia dự án tại huyện Sông Cầu dùng rong câu để xử lý nước thải. Một mô hình khác của dự án là sử dụng lồng nuôi cá rô phi đặt bên trong hồ nuôi tôm để xử lý nước và chất thải. Ông Bùi Minh Lý là một trong những hộ tham gia dự án bằng mô hình này. Trong vụ tôm 2006, trong khi các hồ nuôi tôm xung quanh đều bị dịch bệnh thì tôm của ông Lý vẫn an toàn, cho lãi.
Những nông dân tham gia dự án đều khẳng định phương pháp nuôi tôm này rất hiệu quả, cần được triển khai trên diện rộng. Ông Hải cho rằng chính quyền địa phương nên tổ chức lại vùng nuôi quy củ; đồng thời thành lập tổ tự quản vùng nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Liên, Trường đại học Khoa học Huế, chuyên gia tư vấn kỹ thuật quốc gia của dự án trên, nói: “Dự án đã triển khai tại Phú Yên có hiệu quả, là cơ sở để các địa phương cùng thực hiện việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, người dân nuôi tôm có hiệu quả. Đây cũng là mô hình điểm mà Quỹ Môi trường toàn cầu tuyên truyền tại nhiều quốc gia khác”.
LY KHA