Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là công cụ thiết yếu thúc đẩy thương mại và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Phú Yên đã đề ra kế hoạch ứng dụng TMĐT trong các DN, tuy nhiên, việc triển khai còn gặp không ít khó khăn.
TMĐT là hình thức mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua mạng máy tính toàn cầu, giúp giảm chi phí buôn bán nhờ tiết kiệm thời gian, tăng quay vòng vốn, giảm thủ tục hành chính, giấy tờ, gắn kết các cơ quan làm thủ tục hành chính với nhau, hạn chế tiếp cận con người với con người, giảm biên chế, giảm phiền hà và tiêu cực...
Công ty Kiến trúc Delta (TP Tuy Hòa) chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động – Ảnh: M.TRIẾT |
DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN CHƯA QUAN TÂM ĐẾN TMĐT
Ông Đinh Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên cho biết: “Ở Phú Yên, TMĐT đang còn ở bước sơ khởi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chủ yếu thông qua thư điện tử. Số DN có website riêng phục vụ cho hoạt động này chưa nhiều, hầu như chỉ một số DN kinh doanh du lịch, hàng may mặc, thủy sản... có giao dịch buôn bán với nước ngoài là có website riêng để quảng bá hình ảnh và phương thức kinh doanh”.
Đa số DN ở Phú Yên có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh yếu, nên việc ứng dụng CNTT và TMĐT chỉ mới dừng lại ở việc tìm kiếm thông tin qua mạng internet, truy cập vào các website chuyên ngành để nắm bắt thông tin về thị trường hoặc trao đổi thông tin bằng thư điện tử là chủ yếu. Ông Đặng Minh Trực, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Phú Yên) cho hay: “Phần lớn các DN đều nhận thấy được tầm quan trọng của TMĐT nhưng chưa có kế hoạch cụ thể cũng như chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng TMĐT vì hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực còn hạn chế. Mô hình mua bán qua mạng giữa DN với DN và DN với người tiêu dùng bước đầu chưa có hiệu quả do thói quen của người tiêu dùng”.
Thực tế, hạ tầng CNTT và truyền thông để phát triển các hoạt động giao dịch TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ. Hệ thống thiết bị CNTT như máy tính, máy in, hệ thống mạng… của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN còn thiếu và yếu so với đòi hỏi phát triển ứng dụng CNTT và TMĐT trong giai đoạn hiện nay. Việc phổ cập tin học và internet cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước được triển khai chậm. Hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT trong các ngành kinh tế còn hạn chế, một số ngành dịch vụ ứng dụng TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển như ngân hàng, tài chính, CNTT, thương mại… Một điều dễ thấy là thiếu những trang web chuyên ngành có quy mô lớn để cung cấp đầy đủ thông tin tư vấn, giao dịch mua bán... Bên cạnh đó, các dịch vụ công của Phú Yên thực hiện qua mạng internet chưa được chủ động triển khai, chưa có sàn giao dịch TMĐT, cổng dịch vụ hành chính công chưa xứng tầm… Theo các chuyên gia CNTT, hạn chế của hoạt động TMĐT tại Phú Yên còn thể hiện ở việc nhận thức của cán bộ quản lý và DN, mức độ ứng dụng của DN chưa cao; lúng túng trong triển khai, chưa phân bố ngân sách đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho hoạt động này.
CẦN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CNTT TỐT
UBND tỉnh Phú Yên đã đề ra kế hoạch đến năm 2010, phấn đấu có 60% số DN lớn ứng dụng TMĐT, 70% DN vừa và nhỏ biết đến lợi ích của TMĐT và có ứng dụng nhất định. Kế hoạch triển khai tại địa phương giai đoạn 2006 – 2010 tập trung vào việc tuyên truyền phổ biến về TMĐT, về pháp luật TMĐT đến DN và cộng đồng dân cư; thực hiện các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT cho DN, hỗ trợ DN tham gia và ứng dụng TMĐT. Tỉnh sẽ tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan tới TMĐT; thanh tra, kiểm tra các hoạt động TMĐT tại địa bàn.
Ông Mai Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo, phổ biến kiến thức TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin - Truyền thông) xây dựng chương trình đào tạo, nội dung tuyên truyền cho các cán bộ quản lý nhà nước và các DN trên địa bàn tỉnh”.
Theo ông Đinh Thanh Tịnh, mật độ sử dụng internet ở Phú Yên mới đạt 4/100 dân. Để phát triển hoạt động TMĐT, cần có chính sách đẩy mạnh việc sử dụng internet trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong giáo dục để học sinh được tiếp cận. Bên cạnh đó, cần kết nối internet ở các điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm văn hóa các địa phương để nâng cao mật độ sử dụng internet.
Sở Thông tin - Truyền thông đang chuẩn bị khảo sát điều tra hiện trạng ứng dụng TMĐT và khả năng phát triển TMĐT của các DN trong tỉnh. Dự kiến, mỗi năm Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức tối thiểu một lớp học về nghiệp vụ TMĐT hoặc tổ chức các buổi phổ biến, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các DN tham gia vào Cổng thương mại điện tử quốc gia (ECVN) của Bộ Công Thương. Các đơn vị cũng sẽ xây dựng sàn giao dịch TMĐT và đưa vào hoạt động. Sở Công thương còn hỗ trợ hoạt động quảng bá, cập nhật, đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT của các đơn vị.
MINH NGUYỆT