Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thầy Văn Sỹ Nghi (SN 1975), giảng viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã nghiên cứu, chế tạo nhiều thiết bị hữu ích phục vụ sản xuất và đời sống. Gần đây nhất, khi tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, thầy Nghi đã thành công với chiếc máy trợ thở không xâm lấn.
Giảng viên có hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, công tác nghiên cứu được thầy Nghi và các đồng nghiệp thực hiện hàng năm. Thông thường, những nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào việc chế tạo các thiết bị làm đồ dùng dạy học cho học sinh, sinh viên và gắn với thực tiễn. Riêng năm 2020, nhà trường hướng các nghiên cứu vào việc chế tạo các thiết bị giúp hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi thiếu máy thở, thiếu nhân lực để chăm sóc bệnh nhân khi dịch bùng phát. Thầy Nghi tìm hiểu, nghiên cứu về chiếc máy thở dạng không xâm lấn có thể tự hoạt động dành cho những bệnh nhân thông thường, không bị tổn thương phổi để ưu tiên máy trợ thở dạng xâm lấn cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thầy Nghi chia sẻ: “Tôi mất hơn 1 tháng để phát triển ý tưởng thành thiết bị. Để có thể bắt tay vào thực hiện, ban đầu tôi hình dung trước về sản phẩm, chạy mô phỏng hoạt động của máy bằng phần mềm trên máy tính và kiểm tra các tình huống bị lỗi. Đến cuối cùng mới thiết kế và chế tạo lắp đặt thành một chiếc máy hoàn chỉnh có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở...”.
Với thiết bị này, thầy Nghi sử dụng thiết bị của ngành Y tế như: Bóng ambu, ống dẫn khí 02, bình chứa 02 và một cơ cấu bóp do thầy Nghi tự chế tạo như: mô tơ điện dùng để kéo tạo ra cánh tay bóp bóng ambu; lập trình vi điều khiển (điều chỉnh nút nhấn; thể hiện trạng thái hoạt động của thiết bị; điều khiển, theo dõi từ xa). Khi thiết bị hoạt động, có thể thay thế cho công việc bóp bóng ambu để trợ thở của điều dưỡng.
Sau khi hoàn thiện, chiếc máy có kích thước 18x25x30cm, trọng lượng 4kg, dễ dàng vận chuyển. Đặc biệt, bên trong máy có một môtơ điện dùng nguồn thấp chỉ 12V nên có thể sử dụng pin, ắc quy để chạy máy. Máy có thể điều chỉnh được tốc độ bóp từ 17-23 lần/phút tùy theo mức độ cần oxy của người bệnh. Vì là loại máy trợ thở không xâm lấn, máy áp lực dương làm nở phổi nên không áp dụng cho các bệnh nhân có bệnh lý về phổi hay đã tổn thương phổi mà chỉ dùng để hà hơi thổi ngạt cho người ngưng thở do bị ngạt nước, ngạt khói. Thiết bị này đã được thầy Nghi gửi đi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện.
TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để viên chức, người lao động của nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học. Về sản phẩm máy trợ thở của thầy Nghi, nhà trường sẽ hỗ trợ về mặt kinh phí và kêu gọi một số đơn vị giúp đỡ về mặt kỹ thuật để thầy Văn Sỹ Nghi hoàn thiện sản phẩm của mình nhằm đưa sản phẩm hữu ích này phục vụ công tác điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Đoàn Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Phú Yên cho biết: Máy trợ thở của thầy Văn Sỹ Nghi xuất phát từ ý tưởng rất tốt, thuận lợi để cấp cứu cho bệnh nhân ngoài bệnh viện, bệnh nhân gặp tai nạn cần cấp cứu để thay thế cho việc bóp bóng thủ công. Ngoài chức năng trợ thở, máy này cũng có thể dùng để hà hơi thổi ngạt cho người ngưng thở do bị ngạt nước, ngạt khói. Đây là điều rất tốt khi dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, bởi việc hà hơi thổi ngạt bằng miệng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, viên chức, người lao động của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã thực hiện nhiều sáng kiến hữu ích: dung dịch rửa tay khô sát khuẩn, máy sát khuẩn tự động, may khẩu trang vải tặng cho một số đơn vị (như các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin). Trong đó, hệ thống máy rửa tay tự động đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) hỗ trợ đưa sản phẩm phục vụ cộng đồng. |
THÁI HÀ