Đó là khẳng định của ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) khi trao đổi với Báo Phú Yên về việc chọn học nghề của giới trẻ hiện nay.
Việc gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều trường đã quan tâm, chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Sự kết hợp này bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động. |
* Thưa ông, trong lúc ngày càng nhiều “cánh cửa” vào đại học nhờ sự đa dạng trong cách thức tuyển sinh thì đâu là lợi thế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để thu hút người học?
- Nếu như trước đây, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều có suy nghĩ sẽ học tiếp THPT, sau đó vào đại học, thì nay tư duy của nhiều em đã thay đổi. Thay vì vào cấp THPT, nhiều em đã chọn cho mình con đường học nghề để sớm có việc làm trang trải cuộc sống.
Lợi thế lớn nhất của việc học nghề đó là chính sách hấp dẫn khi có nhiều diện miễn học phí và chính sách hỗ trợ cho người học; thời gian học ngắn hơn đại học; chương trình đào tạo có đến 70% thực hành tùy theo trình độ. Đó là chưa kể quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp nên việc thực hành, thực tập của người học sẽ được tiến hành tại doanh nghiệp. Thậm chí nhiều HSSV còn được doanh nghiệp trả thù lao ngay trong quá trình thực tập. Sau khi tốt nghiệp, cơ hội tìm được việc làm của người học nghề cũng rất dễ dàng, thu nhập lại cao. Quan trọng nữa là sau khi các em học xong, nếu có nhu cầu, điều kiện, năng lực, có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.
Theo đánh giá chung, 85% học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm. Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất nhiều nơi bị đình trệ, học sinh tốt nghiệp GDNN ở một số ngành nghề liên quan tự động hóa và cơ điện tử không có đủ học sinh để cung cấp cho doanh nghiệp. Về thu nhập, bình quân là 6-7 triệu đồng/tháng, nhiều ngành nghề 10-12 triệu đồng, rõ ràng tạo nên sức hút.
Ông Đỗ Năng Khánh |
* Theo ông, những ngành nghề nào sẽ có lợi thế cung ứng cho thị trường lao động hiện tại và trong thời gian tới?
- Gần như tất cả các ngành nghề đều có nhu cầu về nhân lực qua đào tạo, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao trong GDNN. Trong thời gian gần đây, các ngành nghề như: cơ khí, điện dân dụng, máy lạnh và điều hòa không khí, điện tử, công nghệ ô tô, du lịch, quản trị khách sạn, nhà hàng... được doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao.
Tùy thuộc thị trường, từng khu vực ngành nghề có những nhu cầu riêng. Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã khảo sát để tuyển dụng nhân lực các ngành tự động hóa, cơ điện tử, các ngành liên quan cơ khí, công nghiệp phụ trợ hay logistic. Ngoài ra, những ngành liên quan công nghệ 4.0 cũng đang rất thiếu nhân lực có kỹ năng nghề.
* Thưa ông, thế mạnh của các trường nghề đó là đào tạo ra đội ngũ nhân lực giỏi tay nghề. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với đại học. Vậy công tác đào tạo phải như thế nào cho phù hợp, sát thực tiễn?
- Một thời gian dài, chúng ta đào tạo theo cách truyền thống, dựa trên những cái mình có, đào tạo theo chỉ tiêu được cấp hàng năm, theo kế hoạch. Những năm gần đây, các cơ sở GDNN đã rất tích cực chuyển đổi sang cơ chế thị trường, nhu cầu doanh nghiệp. Lãnh đạo các trường đã biết tổ chức, thiết kế chương trình đào tạo gắn kết với nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao. Các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỉ lệ từ 5-6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Chưa kể, hội nhập ASEAN, những người được đào tạo nghề có cơ hội làm việc cho nhiều quốc gia khác. Bắt theo xu thế của thế giới, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi GDNN từ hệ thống trước đây, chủ yếu đào tạo theo những gì mình có ở trường lớp, chuyển sang hệ thống đào tạo mở và linh hoạt. Chúng ta hướng nhiều hơn đến việc đào tạo bổ sung kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc chứ không chỉ đào tạo nghề ban đầu cho người học sau tốt nghiệp THCS, THPT. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của giáo viên, các trường cần phải tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, xem việc kết nối với doanh nghiệp là nhà trường thứ hai để tăng khả năng thực hành cho người học.
* Sự tương tác giữa doanh nghiệp và trường nghề trong quá trình đào tạo là rất quan trọng. Hiện nay, mối liên kết này như thế nào, thưa ông?
- Việc gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều trường đã quan tâm, chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Sự kết hợp này bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.
Doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng lao động tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG |
Tại Phú Yên, các cơ sở GDNN đã có nhiều cách làm hay để xây dựng mối liên kết này, từ việc cùng doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức các ngày hội việc làm tại trường để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với HSSV cũng như giúp người học có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp, về cơ hội nghề nghiệp; đưa HSSV đến thực tập tại doanh nghiệp để các em tiếp cận trực tiếp quy trình và công nghệ vận hành sản xuất của doanh nghiệp...
Có thể thấy, mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của các trường, cũng là nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới, các trường cần có giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng và thắt chặt mối liên kết này một cách bền vững. Coi đó là giải pháp tối ưu để đạt được sự đồng thuận và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài cho cả hai bên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo; phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, để cả nhà trường và doanh nghiệp đều có thêm nhiều cơ hội thành công.
* Ông có lời khuyên gì đối với thí sinh trước mùa tuyển sinh năm 2020?
- Học gì cũng là trau dồi kiến thức và mục đích cuối cùng vẫn là để có được một tương lai nghề nghiệp vững vàng. Chỉ khi nào các em xác định một hướng đi rõ ràng và chọn cho mình môi trường học tập phù hợp nhất thì mới có thể vươn tới thành công.
Trước thực trạng có quá nhiều người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, trong khi các cơ sở GDNN lại cam kết trả lại học phí nếu người học ra trường không có việc làm hoặc đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp… thì các em không có gì phải băn khoăn khi chọn học trung cấp, cao đẳng.
* Xin cảm ơn ông!
THÚY HẰNG