Ngày 5/6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với sự chủ trì của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng sự tham gia của các thứ trưởng, lãnh đạo các vụ cục có liên quan của Bộ GD-ĐT; đại diện Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ. Tại điểm cầu Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT và các sở, ngành có liên quan tham gia hội nghị.
Nhiều điểm mới
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh. Do đó, kỳ thi phải được tổ chức đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, minh bạch.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được Bộ GD-ĐT ban hành trong ngày 5/6, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới so với mọi năm. Đó là tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), cụ thể chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; thời gian tổ chức thi chỉ có 2 ngày (9 và 10/8), thay vì 2,5 ngày như trước đó; các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT và của Sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm, kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện dịch bệnh nên đã có những điều chỉnh, nhưng vẫn đặt mục tiêu cao nhất: an toàn, nghiêm túc, khách quan. Bộ vẫn chỉ đạo, ra đề thi, song UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức. Các địa phương chịu trách nhiệm về thành công, bộ chỉ đạo chung, ban hành khung pháp lý và các điều kiện đảm bảo, cung cấp đề thi, hạ tầng thông tin cơ bản để tổ chức thi, thanh kiểm tra cùng với địa phương.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục có những giải pháp bảo đảm kỳ thi an toàn, minh bạch, nghiêm túc với quy trình thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc.
Cô Trần Thị Lành, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi hướng dẫn học sinh lớp 12 của trường học môn Sinh học. Ảnh: THÚY HẰNG |
Phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng
Năm nay, Chính phủ giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Tại Phú Yên, nhiều năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục cũng như sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, địa phương, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, tạo được niềm tin đối với nhân dân.
Với kinh nghiệm tổ chức rất tốt các kỳ thi THPT quốc gia đã qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho rằng, để kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, khách quan, tạo niềm tin trong xã hội thì người đứng đầu ngành Giáo dục địa phương và từng thành viên trực tiếp tham gia vào các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi là yếu tố then chốt. Vì vậy, công tác lựa chọn đội ngũ tham gia vào Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi và các ban khác của kỳ thi phải được chú trọng, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Song song đó, công tác triển khai, tập huấn, quán triệt quy chế coi thi phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức thi. Đặc biệt phải coi trọng khâu kiểm tra, thanh tra để phát hiện sơ hở, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục, cùng hướng tới mục tiêu chung là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và khẳng định uy tín trong công tác tổ chức thi của ngành Giáo dục Phú Yên.
Theo Sở GD-ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 10.000 thí sinh dự thi, giảm khoảng 500 thí sinh so với năm trước. Trên cơ sở chuẩn bị của ngành Giáo dục và thực tiễn nhiều năm tổ chức kỳ thi, đến thời điểm này, ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay toàn ngành đang trong tâm thế chủ động, sẵn sàng tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
THÚY HẰNG