Tin GS.TS Phan Thành Nam, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được giải thưởng chính thức của Hội Toán học châu Âu - EMS khiến tất cả vỡ òa trong niềm hạnh phúc, tự hào. Trên trang cá nhân, GS Ngô Bảo Châu gửi đến GS.TS Phan Thành Nam lời chúc ngắn gọn: “Chúc mừng Phan Thành Nam, chúc mừng Phú Yên. Đây là thành tích rất đáng tự hào!”
Các báo trong nước ngày 10/5, rầm rộ đưa tin về GS.TS Phan Thành Nam, một người con Phú Yên, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, hiện là giáo sư tại đại học danh tiếng Ludwig Maximlians Muchen (Đức), được Hội Toán học châu Âu thông báo là một trong 10 nhà toán học trẻ được giải thưởng chính thức của hội năm 2020.
Giáo sư Toán mê Văn, Sử
Lĩnh vực nghiên cứu của Phan Thành Nam là giải tích và vật lý toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số. GS.TS Phan Thành Nam là người Việt Nam làm việc tại châu Âu đầu tiên nhận giải thưởng EMS. Theo số liệu trên trang MathScinet của Hội Toán học Mỹ, GS.TS Phan Thành Nam đã công bố 39 công trình khoa học. Đa phần trong số đó là các công bố trên các tạp chí danh tiếng thế giới, chẳng hạn: Comm. Math. Phys., Jour. Eur. Math. Soc., Comm. Pure Appl. Math. Jour. Funct. Anal., Arch. Rational Mech. Anal., Amer. Jour. Math… Các công bố của Phan Thành Nam và đồng nghiệp đã được trích dẫn 346 lần. Còn theo trang Google Scholar, các công bố của anh được trích dẫn 913 lần, với chỉ số h-index là 17. |
Giọng thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, vẫn còn run lên vì hạnh phúc trong điện thoại khi nghe tôi chúc mừng học trò cũ của nhà trường. Thầy Châu không chỉ là hiệu trưởng, mà ông chính là người thầy dạy Toán và truyền lửa khi Phan Thành Nam bước vào lớp 10 trường chuyên của tỉnh.
Tôi đến ngôi nhà nhỏ số 18 Lương Tấn Thịnh, phường 7, TP Tuy Hòa, trước là chúc mừng nhà báo Phan Thanh Bình, bút danh Ba Đà Rằng được nhiều người Phú Yên và bạn bè làng báo trong nước biết đến, cùng nhà giáo dạy văn về hưu Phan Thị Mùi; sau để biết thêm một chút “manh mối” về nhà toán học đoạt giải EMS khi còn nhỏ.
Cha mẹ Phan Thành Nam đều theo nghề văn, nghiệp viết. Vậy mà Phan Thành Nam và em trai Phan Thành Việt đều là tiến sĩ Toán khi bảo vệ xong Ph.D (tiến sĩ) tại Pháp lúc mới 26 tuổi!
Mới biết, khi còn đi học, nhà báo Ba Đà Rằng là học sinh giỏi toán, nhưng anh thích chọn nghiệp văn. Còn Phan Thành Nam khi học cấp hai là học sinh giỏi văn, nhưng lại thích học toán và vật lý vì có nhiều ứng dụng thực tế. Vậy là Nam chuyển sang học chuyên Toán từ năm lớp 10. Niềm đam mê và quyết tâm học toán và vật lý đến với Phan Thành Nam khi anh đọc quyển sách “Các nhà vật lý đi tiên phong”. “Sách rất hay, các nhà bác học như Faraday được mô tả như những anh hùng. Tôi rất muốn học theo hướng đó để hiểu những gì họ làm, trong sách có ghi là muốn hiểu vật lý phải học toán nên tôi quyết tâm học toán trước. Sau này lúc làm tiến sĩ thì tôi chuyển qua hướng vật lý - toán, theo đúng định hướng ban đầu”, Phan Thành Nam chia sẻ.
Học toán, nhưng niềm đam mê văn, sử thì không bỏ. Suốt 12 năm học phổ thông, Phan Thành Nam đã đọc một kho sách tổng hợp của gia đình với hơn ngàn quyển từ lịch sử Việt Nam, thế giới, truyện kiếm hiệp Kim Dung, đến các khảo cứu, trước tác... của những tác gia nổi tiếng. Là học sinh lớp chuyên Toán, nhưng Nam nổi tiếng ở trường cấp ba về những bài thơ học trò sâu sắc và những vở kịch ở các cuộc thi văn nghệ trường. Trong đó có vở “Gươm hùng mở cõi” viết về Thành hoàng Phú Yên - Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Từ năm học lớp 11, Phan Thành Nam đã xác định con đường của mình: “Chiều thu tím lòng trò cũng tím/ Nhìn bóng Thầy nghiêng cả không gian/ Đường Toán học tựa đường đời muôn hướng/ Vọng lời Thầy đừng ngại những gian nan”.
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Phan Thành Nam đến với toán từ niềm đam mê vật lý, rồi say sưa lúc nào không hay. Có những đêm Nam thức trắng để tìm cách giải một đề toán khó, một bài tìm nhiều cách giải, có khi một vấn đề mất cả tuần suy nghĩ, vật lộn để tìm ra bản chất, sự liên hệ và cách giải quyết tối ưu nhất.
Với cách học, tư duy khoa học, chắc chắn, từ một học sinh giỏi văn năm lớp 9, đến năm lớp 10, Phan Thành Nam đã lập kỳ tích cho mình và gây bất ngờ cho bạn bè bằng chiếc HCV môn Toán trong kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam. Năm học 11, Nam lại giành một chiếc HCV nữa và đạt giải nhì môn Toán trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (không có giải nhất), được Bộ GD-ĐT chọn vào đội dự tuyển thi chọn đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm 2002.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Phan Thành Nam được tuyển thẳng vào đại học, trở thành sinh viên lớp Tài năng Toán học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, Phan Thành Nam được giữ lại trường và tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Toán ứng dụng liên kết với Đại học Orléans (Pháp) và trong một năm, anh đã bảo vệ xong luận án tại Pháp với số điểm 19,6/20 (thủ khoa).
Cánh cửa du học làm nghiên cứu sinh tiếp tục mở ra với học bổng toàn phần của bốn trường đại học danh tiếng ở Pháp, Mỹ, Đan Mạch và Ý. Phan Thành Nam chọn Đại học Copenhagen (Đan Mạch) để theo đuổi chuyên ngành Toán lượng tử và tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở tuổi 26.
Niềm đam mê khoa học không dừng lại, năm 2011, Phan Thành Nam tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Cergy - Pontois (Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp) và tại Institute of Science and Techhnology (Cộng hòa Áo). Năm 2016, TS Phan Thành Nam là giáo sư Toán tại Masaryk University (Cộng hòa Czech). Tháng 5/2017, TS Phan Thành Nam trở thành giáo sư Toán tại Đại học Ludwig Maximilian Muchen (một trong những trường danh tiếng hàng đầu Đức và châu Âu).
Học, nghiên cứu lên cao chuyên sâu “một lèo”, từ lúc sinh viên cho đến nghiên cứu sau tiến sĩ, rồi được công nhận giáo sư, cái gian nan của Phan Thành Nam không phải là vấn đề thời gian, tài chính hay gì khác mà chính là sự khổ công, kiên trì trong quá trình nghiên cứu khoa học.
Trong rất nhiều danh nhân văn hóa, lịch sử, nhà bác học, lãnh tụ, những người thầy lớn ảnh hưởng đến Phan Thành Nam, như một sự đương nhiên với người dân Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa bàn đến tư tưởng, phong cách đạo đức của Người, chỉ những bài thơ trong sách giáo khoa thôi cũng là bài học lớn. Phan Thành Nam chia sẻ: “Nhật ký trong tù” là một thiên kinh điển giá trị với dân tộc, đất nước Việt Nam và cả nhân loại. Tôi thích và thuộc nhiều bài. Chợt nhớ bài “Học đánh cờ”: Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công, rất đúng và trúng trong nghiên cứu khoa học và cuộc sống. Cũng như trước đó, danh tướng Đặng Dung thời nhà Hồ viết: Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Một bài nữa tôi cũng rất thích đó là bài “Nghe tiếng giã gạo”: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công... Không có điều gì bỗng dưng có được nếu không có sự gian nan rèn luyện, khổ công nghiên cứu kiếm tìm.
Chân trời khoa học là vô tận
Ngay cả GS.TS Phan Thành Nam cũng bất ngờ khi nhận được thông tin mình có trong danh sách 10 nhà toán học được giải thưởng chính thức của Hội Toán học châu Âu - EMS. Giải thưởng EMS là giải thưởng chính thức của Hội Toán học châu Âu, được xét 4 năm một lần và được trao tại Đại hội Toán học châu Âu. Tiêu chuẩn xét giải là những nhà toán học trẻ không quá 35 tuổi, có quốc tịch châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu, có những đóng góp xuất sắc trong toán học. Đối với chuyên ngành toán học, giải thưởng danh giá nhất dành cho thành tựu xuất sắc của các nhà toán học là giải thưởng Fields (của Hội Toán học thế giới), tiếp sau là giải thưởng EMS (của Hội Toán học châu Âu).
“Tôi bất ngờ và hạnh phúc khi biết mình có tên trong danh sách được trao giải EMS năm 2020. Bởi giải này hội đồng xét giải cực kỳ uy tín và ban tổ chức tự thống kê thành tựu từ các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố, chứ không phải từng người làm hồ sơ hay đề cử”, Phan Thành Nam chia sẻ.
Trước giải EMS, năm 2018, GS.TS Phan Thành Nam được xướng tên nhận giải thưởng nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán được trao tặng bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (IUPAP). Phan Thành Nam được trao giải thưởng này vì đã có những đóng góp nền tảng cho lý thuyết toán học của các hệ lượng tử nhiều hạt, đặc biệt đã chứng minh giả thuyết ion hóa trong lý thuyết Thomas-Fermi-Dirac-von Weizsacker và chứng minh Bogoliubov cho một lớp các hệ Bonson có tương tác.
Hiện tại ở Đại học Ludwig Maximlians Muchen (Đức), công việc của GS.TS Phan Thành Nam là lên lớp (do tình hình dịch COVID-19 nên dạy online), hàng tuần tổ chức/tham dự các seminar nghiên cứu khoa học. GS.TS Nam đang phụ trách hướng dẫn 2 nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc), 2 nghiên cứu sinh (Ph.D student) - một trong hai nghiên cứu sinh này là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và một số sinh viên thạc sĩ, đại học; phần còn lại dành để nghiên cứu.
Chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học, GS.TS Phan Thành Nam cho biết: Trước lúc làm Ph.D, tôi chỉ biết rất mơ hồ vì có rất nhiều hướng nghiên cứu, dần dần học thêm, hiểu rõ hơn và tôi bắt đầu chọn một hướng đi riêng. Trong quá trình này, ảnh hưởng của giáo sư hướng dẫn rất quan trọng, vì ông đề xuất các vấn đề thú vị mà tôi cần tìm hiểu. Trong trường hợp của tôi, giáo sư hướng dẫn không đề nghị một bài toán cụ thể, mà là một chủ đề lớn, có nhiều hướng phát triển và nhiều bài toán khó, hiện tại tôi vẫn chưa giải quyết hết.
Phan Thành Nam đến với Toán học chậm hơn so với nhiều bạn trường chuyên, nhưng Nam hơn nhiều bạn ở tính kiên trì, cẩn thận và chắc chắn. Nam có tư duy chiều sâu, mở rộng liên hệ cho một vấn đề. Là học sinh xuất sắc về môn Toán, nhưng Nam rất yêu văn chương.
Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh |
TRẦN QUỚI