Thứ Tư, 05/02/2025 16:59 CH
Gập ghềnh lộ trình phát triển công nghệ thông tin
Thứ Hai, 24/03/2008 16:01 CH

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước cùng với cải cách hành chính là hai yếu tố cơ bản để xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm làm cho các cơ quan hoạt động hiệu quả, chất lượng, minh bạch và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, Phú Yên hiện chưa có mô hình cụ thể trong việc ứng dụng và phát triển CNTT, lộ trình xây dựng phát triển công nghệ thông tin chưa rõ ràng, kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT hàng năm vẫn chưa được duyệt...

080324-cntt.jpg

Đội ngũ cán bộ CNTT ở Sở Bưu chính - Viễn thông – Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Theo Nghị định 64 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, từ nay đến năm 2010 sẽ có 50% lưu lượng văn bản lưu chuyển trên mạng. Bên cạnh đó, một số cơ quan thường xuyên giao dịch với người dân như Tài chính, Thuế, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Giao thông, Tài nguyên - Môi trường... cần có một số dịch vụ công qua mạng để cung cấp giấy tờ, hồ sơ... Các đơn vị này cần xây dựng một số cơ sở dữ liệu để phục vụ yêu cầu công việc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào trong tỉnh cung cấp các dịch vụ công qua mạng. Ông Lê Thanh Phương, Trưởng phòng Thông tin Khoa học công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên) cho biết: “Những trang tin của các cơ quan còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm và cập nhật thường xuyên. Thông tin cung cấp biên tập còn sơ sài, chưa đầy đủ để sẵn sàng sử dụng. Không có trang tin nào cung cấp các biểu, mẫu kèm theo hướng dẫn để người sử dụng khai thác khi cần”.

 

Điều đáng nói là máy móc thiết bị và phần mềm dùng chung của tất cả các cơ quan trên địa bàn Phú Yên thời gian qua đầu tư không dựa trên một chuẩn nào. Các đơn vị sử dụng chủ yếu là các phần mềm về kế toán. Ba phần mềm dùng chung gồm hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế – xã hội, quản lý hồ sơ công việc và trang thông tin điện tử – cổng Portal (theo Đề án 112) được một số đơn vị triển khai nhưng không thành công vì không phù hợp. Năm 2007, tỉnh có chủ trương chuyển sang dùng phần mềm của Công ty Tin học Tân Dân (TP Hồ Chí Minh) nhưng vẫn không khả quan nên hiện vẫn phải chờ. Ông Phương nói: “Các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam chưa mạnh nên chỉ giải quyết phần nào chứ chưa giải quyết một cách đồng bộ bài toán nan giải này. Do vậy, dù các phần mềm dùng được, nhưng khi gặp sự cố sẽ ách tắc ngay, không có phần điều chỉnh, bổ sung nên việc tiếp nhận rất khó”.

 

Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn thông Đinh Thanh Tịnh nhận định: “Phú Yên hiện đang thiếu chuẩn về kiến trúc CNTT. Các  đơn vị có thiết bị, cổng thông tin theo mã, nguồn... hoàn toàn khác nhau, mạnh ai nấy làm nên không có sự thống nhất”.

 

Khi thực hiện “tỉnh điện tử”, các ngành phải xây dựng được cổng điện tử và  UBND tỉnh tích hợp được dữ liệu. Tuy nhiên, gần 30 trang web trong tỉnh hiện vẫn còn hoạt động đơn lẻ, chưa được kết nối thành một mạng thông tin thống nhất để thực hiện được việc trao đổi và khai thác thông tin dùng chung, không có sự phối hợp triển khai giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc tích hợp các hệ thống thông tin trên mạng diện rộng của Đảng và Chính phủ, thậm chí, nhiều trang web không có kinh phí “nuôi dưỡng” đành phải bỏ.

 

080324-cntt1.jpg

Phú Yên cần có nguồn nhân lực CNTT đủ mạnh để triển khai “Chính phủ điện tử” - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Theo các chuyên gia, Phú Yên còn đang thiếu cán bộ lãnh đạo chuyên sâu về CNTT đảm nhận vai trò làm chủ các dự án CNTT tại các cơ quan. Đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ cao về CNTT vẫn còn thiếu. Cơ chế, chính sách dành riêng cho khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn chưa được hoàn thiện; tiềm lực quản lý Nhà nước, hệ thống văn bản mang tính thiết chế chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Ông Phương nói: “Bên cạnh kinh phí, yếu tố con người là quyết định trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, Phú Yên hiện chưa có cơ chế tuyển dụng nên mảng này vẫn còn khuyết”.

 

Theo Quyết định 246/2005 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cân đối bố trí 1% ngân sách đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT – Truyền thông cùng tổng mức đầu tư từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn đạt 2% GDP. Theo đó, hàng năm Phú Yên chi ít nhất cho hoạt động này tối thiểu là 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự toán năm 2007 (hơn 10 tỉ đồng) và 2008 (gần 9 tỉ đồng) mà Sở Bưu chính Viễn thông Phú Yên đã trình  UBND tỉnh vẫn chưa được duyệt. Các sở ngành liên quan của tỉnh lúng túng là do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

 

Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn thông Đinh Thanh Tịnh bức xúc: “Không có tiền thì không thể triển khai được! Trong khi các địa phương khác đang tăng tốc đầu tư cho lĩnh vực này thì Phú Yên vẫn cứ lừng khừng. CNTT cần phải triển khai nhanh và chắc, nếu chậm sẽ không tiếp cận và hội nhập được. Lâu nay chúng ta không có sự chỉ đạo tốt từ Trung ương nên mọi thứ còn đang ngổn ngang”.

 

MINH NGUYỆT

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek