Cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ (KHCN) là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của các quốc gia cũng như các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì thế, đầu tư cho KHCN là yêu cầu cấp thiết mang tính đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Phú Yên.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội trầm hương Việt |
THIẾU CHIẾN LƯỢC HỢP LÝ VỀ ĐẦU TƯ, NGHIÊN CỨU
Phú Yên hiện có gần 17.700 cán bộ, công chức, trong đó có 2 tiến sĩ, 177 thạc sĩ và hơn 5.500 người có trình độ đại học. Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên, lực lượng cán bộ sau đại học ở tỉnh còn quá ít, chưa tương ứng với nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật, khoa học công nghệ, đối ngoại, luật pháp quốc tế, ngoại ngữ… Bên cạnh đó, việc đưa người đi đào tạo sau đại học của tỉnh còn thiếu lực lượng ở một số chuyên ngành mà tỉnh đang cần, cụ thể là lĩnh vực kỹ thuật, khoa học công nghệ cao.
Địa phương lẫn DN hiện còn thiếu một chiến lược hợp lý về đầu tư cho KHCN. Đó là tỉnh chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc phát triển KHCN cho các DN thông qua việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng về KHCN, các chính sách khuyến khích DN tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.
Trong các trường đại học, cao đẳng, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng đúng mức nên chưa phát huy được tính chủ động và trách nhiệm của những cơ quan này cũng như khả năng sáng tạo của các nhà khoa học. Chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học thấp so với lao động trong các lĩnh vực khác làm hạn chế khả năng thu hút nhân tài và phát huy năng lực cống hiến của họ cho lĩnh vực KHCN. Quy trình tổ chức nghiệm thu, đánh giá các đề tài khoa học, các công trình nghiên cứu còn nhiều bất cập, dẫn đến hiện tượng hình thức, thậm chí là tiêu cực trong khi đánh giá.
Về phía các DN, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bị xem nhẹ nên hầu như chưa có một chiến lược cho hoạt động này hoặc có cũng chỉ mang tính phụ trợ phục vụ cho chiến lược phát triển. Vì thế hoạt động R&D còn mang tính thụ động chạy theo thị trường hay nói cách khác là hưởng lợi từ những nghiên cứu được tiến hành từ các DN nước ngoài.
Pháp luật về KHCN đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là những quy định về chuyển giao công nghệ vừa chi tiết mang tính áp đặt cả về nội dung lẫn hình thức chuyển giao, thời gian, giá cả, điều kiện nghiệm thu, thanh toán; thị trường KHCN lại chậm hình thành và chưa phát triển nên đã cản trở không nhỏ đến hoạt động chuyển giao công nghệ. Việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện nghiêm chỉnh; hoạt động sao chép, làm giả, vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn nên không những không khuyến khích các DN đầu tư cho R&D mà lại có hiệu ứng ngược lại. Nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, đánh giá và sử dụng các công nghệ hiện đại ở địa phương còn thiếu trầm trọng.
Các hình thức, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động R&D như cấp tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ cho hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ, miễn giảm thuế thu nhập DN đối với sản phẩm mới, phương pháp trích khấu hao, tái đầu tư, hạch toán chi phí đầu tư cho R&D, cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực... thiếu đa dạng và chưa khuyến khích tư nhân đầu tư cho các ngành công nghệ cao và hoạt động liên kết hợp tác với các tổ chức KHCN của nước ngoài.
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KHCN CHẤT LƯỢNG CAO
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tiếp cận từ góc độ đầu tư cho KHCN, Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp có tính chiến lược sau:
Một là, khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng KHCN theo các hướng: Tái cấu trúc các viện, các trung tâm nghiên cứu cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế làm việc, nhân sự và trang thiết bị để những cơ sở này nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt về nghiên cứu và ứng dụng KHCN của cả nước.
Hai là, tăng đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để phát huy cao nhất sức sáng tạo và cống hiến tri thức khoa học của họ; nâng cao khả năng thẩm định và ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, đời sống theo các hướng: Đầu tư phát triển các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về khoa học chất lượng cao bằng việc hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động đào tạo; quy tụ đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao về KHCN. Bên cạnh đó, chúng ta cần phối hợp, liên kết với các DN phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ. Cải tiến chính sách đãi ngộ cho các đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chính sách thu hút lực lượng các nhà khoa học, sáng chế công nghệ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Ba là, khuyến khích hỗ trợ các DN tăng đầu tư cho hoạt động R&D và đổi mới công nghệ thiết bị thông qua các định chế tài chính, tín dụng như tạo điều kiện để các DN tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; cải tiến chế độ tính khấu hao, tái đầu tư, hạch toán chi phí đầu tư cho hoạt động R&D và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; miễn, giảm thuế suất nhập khẩu thiết bị phục vụ hoạt động R&D, thuế nhu nhập DN từ việc sử dụng công nghệ mới, hiện đại, chế tác sản phẩm mới.
Bốn là, đầu tư phát triển quan hệ liên kết hợp tác quốc tế về KHCN nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn và tri thức KHCN của nước ngoài dưới các hình thức như hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, dữ liệu nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm chung các kết quả nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết lập các tiêu chuẩn khoa học, góp vốn đầu tư để cùng sử dụng các thiết bị nghiên cứu đắt tiền.
Thạc sĩ NGUYỄN XUÂN HIỆP
Trường đại học Bán công Marketing