Thứ Năm, 06/02/2025 01:52 SA
Nhà khoa học nữ yêu hoa
Thứ Bảy, 08/03/2008 14:00 CH

“Đối tượng ưu tiên số một trong công tác nghiên cứu khoa học và đưa vào ứng dụng thực tiễn của trung tâm chúng tôi là hoa” - thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên) bộc bạch. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ nhà khoa học nữ này là người rất mê hoa.

 

080308-diem2.jpg

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm trong khu trồng hoa hồng ở vườn Hòa Quang

 

ẤN TƯỢNG NHỮNG “CÔNG TRÌNH HOA”

 

Ra đời từ năm 2000, đến nay, những nghiên cứu khoa học ấn tượng nhất của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (TT ƯD&CGCN) dường như đều liên quan đến hoa.

 

Khoảng 6 năm trước, khi đến Phòng Nuôi cấy mô của trung tâm để tìm hiểu thông tin về việc nhân giống các loại cây dó bầu và cây hông – vốn được coi là những loại cây trồng rừng rất “hot” lúc bấy giờ, tôi lại được các cán bộ trẻ ở đây say sưa giới thiệu về việc nhân giống vô tính thành công nhiều loài… lan, vốn đang hiếm dần trong tự nhiên. Hai năm sau, dự án Sưu tập và nhân giống vô sản các loài phong lan đầu dòng của TT ƯD&CGCN ra đời. Cho đến nay, dự án này đã thành công bước đầu khi sưu tập được hàng trăm dòng lan rừng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cùng với các dòng lan du nhập từ nước ngoài; đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất lan bằng nuôi cấy mô. Từ thành công này, một chiến lược dài hơi đã được TT ƯD&CGCN đặt ra: Phấn đấu để sản xuất hoa lan đi xuất ngoại!

 

Tuy thời tiết năm 2007 khá khắc nghiệt đối với nghề trồng hoa, nhưng có thể nói Tết Mậu Tý vừa rồi là một cái tết của hoa cúc Phú Yên. Với nhiều loài phong phú, màu sắc rực rỡ, hoa cúc “made in Phú Yên” không chỉ “hút” khách hàng trong tỉnh, mà còn vô Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên. Bà con trồng hoa ở Bình Kiến, phường 9 (TP Tuy Hòa) hoan hỉ vì cúc được mùa, được giá. Đó là nhờ dự án Trồng hoa cúc – một đề tài cấp bộ đã được thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm bảo vệ thành công - cung cấp giống và chuyển giao công nghệ cho dân.

 

Cũng trong tết vừa rồi, người ta ngạc nhiên khi thấy hoa lily kết hoa trên đất Phú Yên. Loài hoa này khá đặc biệt, chỉ có Hà Lan mới sản xuất được giống, còn ở cả vùng phía Nam nước ta chỉ ở nơi có thời tiết ôn đới Đà Lạt mới trồng cho hoa được. Vậy mà, các cán bộ của TT ƯD&CGCN đã khiến cho lily nở hoa ở vùng đất đầy nắng gió Tuy Hòa!

 

VÌ HOA

 

Giám đốc TT ƯD&CGCN Nguyễn Thị Diễm bộc bạch: “Đối tượng ưu tiên số một trong công tác nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn của chúng tôi là hoa. Phòng Nuôi cấy mô sắp tới cũng chỉ chuyên về hoa và các hoạt động khác của trung tâm cũng phải tính đến yếu tố liên quan đến hoa”. Chị cho biết, sở dĩ mọi thứ đều vì hoa, hướng tới hoa là bởi ở Phú Yên có diện tích trồng hoa lớn, người dân canh tác hoa có kinh nghiệm; hoa là đối tượng dễ nghiên cứu và dễ... bán ra thị trường; trung tâm lại có năng lực nghiên cứu và sản xuất được lượng giống lớn.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm cho hay, đề tài mới của chị là Sản xuất giống hoa layon vừa được chấp nhận và sẽ triển khai trong năm nay. “Phú Yên có hàng trăm ha sản xuất hoa layon vào dịp tết hàng năm. Vậy mà lâu nay bà con mình thường phải đón xe đò lên Đà Lạt để mua giống. Quá trình vận chuyển vừa tốn kém chi phí, lại khiến giống bị ảnh hưởng về chất lượng, bị hư hỏng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn thường bị mua phải giống kém chất lượng nên sản xuất không thành công. Dự án này nếu thành công sẽ khắc phục được những vướng mắc đó” – chị Diễm nói.

 

Riêng về các đề tài hoa đã thực hiện, thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm nói rằng trung tâm cũng còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, với dự án hoa lan, TT ƯD&CGCN sẽ thực hiện một modul làm mô hình trình diễn các loài phong lan đã sản xuất giống thành công tại vườn Hòa Quang (Phú Hòa) để những nhà làm kinh tế nếu thấy hứng thú thì đầu tư kinh doanh, biến chiến lược “buôn bán” phong lan của trung tâm trở thành hiện thực. Dự án hoa cúc “thấy vậy nhưng chưa thành công lắm, vì hoa nở còn chưa đều, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu còn lớn, phương thức trồng của bà con chưa ổn. Năm nay phải nghiên cứu để hướng dẫn cho bà con về cơ chất trồng, chế độ dinh dưỡng cho hoa…”. Về lily, phải kêu gọi vốn đầu tư của cán bộ trong đơn vị để sản xuất cho thật thành công, đúc kết tốt quy trình rồi mới chuyển giao cho dân...

 

“TÔI LÀ NGƯỜI MÊ HOA”

 

Đã từng có thời gian gần như tỉnh nào ở nước ta cũng thành lập phòng nuôi cấy mô thực vật, nhưng dần dà, vì “làm ăn” không hiệu quả, nhiều phòng mô đã “chết yểu”. Riêng Phú Yên, một tỉnh xa các trung tâm và còn nhiều khó khăn, lại duy trì được phòng nuôi cấy mô và ngày càng có những thành công bất ngờ. Là người lèo lái, thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm có công đáng kể. Tuy vậy, chị nói: “Những đề tài đã thành công là nhờ sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể TT ƯD&CGCN. Điều may mắn cho tôi là những cộng sự của mình là những người rất yêu khoa học, say mê nghiên cứu, lãng mạn và biết vượt qua khó khăn”.

 

Nhưng một điều không thể phủ nhận là nhà khoa học nữ này đã truyền lòng đam mê và sự lãng mạn của mình cho những đồng sự. Sinh năm 1964 ở vùng đất trồng rau Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), nhưng Nguyễn Thị Diễm lại rất yêu hoa, mà theo chị “hoa đẹp ai mà không yêu, nhất là khi mình là con gái”. Chị kể, năm 1987, khi lên Đà Lạt thi vào đại học, nhìn thấy đâu cũng là hoa. Hoa trong vườn, hoa ngoài rào, trên đường đi cũng ngập tràn hoa. “Hồi đó tôi tự nhủ, nếu thi rớt thì năm sau cũng quyết lên Đà Lạt thi lại vì quá mê hoa ở vùng đất này”. Năm đó, chị đỗ vào khoa Sinh vật Đại học Đà Lạt. Cô sinh viên này cùng với một bạn học khác, đã ra chợ thành phố mua giống, thậm chí đến nhà người ta xin hoa, để gây dựng nên bồn hoa trước khoảnh đất trống khu nội trú B5 của Đại học Đà Lạt.

 

Sau này, khi ra trường, về công tác tại Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phú Yên, làm ở bộ phận Quản lý môi trường theo đúng chuyên môn được đào tạo, Nguyễn Thị Diễm vẫn là người mê hoa. Chị cho biết: “Tôi mua giống lan cấy mô ở Nha Trang, ở Quy Nhơn về và lập một vườn hoa lan nhiều dòng trong ngôi nhà nhỏ của mình ở TP Tuy Hòa. Tôi tự tay chăm sóc và khá thành công với vườn lan này”.

 

Yêu hoa quá đôi khi cũng khổ, thậm chí rớt nước mắt vì hoa. “Hồi thực hiện đề tài hoa lan, anh chị em chúng tôi cũng gặp nhiều “tai tiếng” lắm. Hồi đó, trung tâm thiếu đủ thứ, nuôi cấy mô lại là công nghệ mới lần đầu mình biết; trồng hoa lan lại là bí quyết nên người ta đâu tiết lộ cho mình hết quy trình, thành ra làm cũng không thành công như ý. Nhiều khi hoa lan đưa ra vườn bỗng chết hàng loạt, có lúc tưởng đề tài thất bại. May mà kiên trì nên giờ đã thành công” – chị thổ lộ. Rồi dự án hoa cúc, năm đầu triển khai, do chưa nắm bắt hết những yếu tố thời tiết, người dân lại quen trồng theo kinh nghiệm mà không áp dụng đầy đủ quy trình khoa học đã dẫn đến thất bại bước đầu. “Bà con sốt ruột vì mất của mất công một thì chúng tôi xót xa đến mười. Điều buồn nhất là người ta không tin hoặc nghi ngờ những phương pháp khoa học của mình. Với dự án này, tôi nhiều lần khóc thầm vì buồn. Năm rồi, tôi quyết định, bất kể lúc nào rảnh là đi thẳng xuống dân. Hỏi thăm, hướng dẫn, chỉnh sửa... từng hộ một, nhờ vậy mới thành công”.

 

QUỐC NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhận dạng bằng mạch máu
Chủ Nhật, 09/03/2008 08:00 SA
PSP: Vừa chơi game vừa chat và lướt web
Thứ Bảy, 08/03/2008 15:00 CH
Xuất hiện cuộc cách mạng ảnh số 2.0
Thứ Bảy, 08/03/2008 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek