Thứ Sáu, 21/02/2025 02:40 SA
Người đam mê bảo tồn các loài cây gỗ quý
Thứ Hai, 03/06/2019 13:00 CH

Kỹ sư Lê Văn Thứng kiểm tra sự phát triển của cây trắc được phục hồi nhân giống ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa - Ảnh: PV

Rất khó để gặp kỹ sư Lê Văn Thứng (SN 1951), hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên. Về hưu, ông vẫn hay lên rừng, xuống biển để thỏa lòng với ngành nghề mình đã học, thỏa chí đam mê nghiên cứu để hồi sinh những loài cây gỗ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Phú Yên nói riêng và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

 

Sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) trong một gia đình nông dân, mồ côi cha từ lúc một tuổi nhưng suốt thời niên thiếu, Lê Văn Thứng luôn là học sinh giỏi. Năm 1970, chàng thanh niên gốc rạ này nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trung tâm Quốc gia nông nghiệp (trước đó là Trường Quốc gia nông lâm Mục Bảo Lộc, năm 1974 là Học viện Quốc gia nông nghiệp, sau năm 1975 là Trường đại học Nông nghiệp 4 và hiện nay là Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh).

 

Sau 4 năm theo học (1970-1974) và tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư Thủy lâm, ông có một thời gian ngắn làm việc ở Nha Thủy Lâm, thuộc Bộ Canh nông (Chính quyền Sài Gòn cũ). Sau 30/4/1975 thời kỳ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông tham gia công tác ở Viện Điều tra quy hoạch lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, nay là Viện Điều tra quy hoạch rừng, thuộc Bộ NN-PTNT). Năm 1977, ông chuyển về công tác ở Ty Lâm nghiệp tỉnh Phú Khánh, đến năm 1983, Lê Văn Thứng trở về quê nhà công tác tại Lâm trường huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa).

 

Trong thời gian gần 10 năm (1983-1992) với trách nhiệm là Phó Giám đốc Lâm trường huyện Tuy Hòa, ông đam mê nghiên cứu phục hồi và phát triển những cây gỗ quý hiếm đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng, rồi cùng với các đồng nghiệp chọn vùng suối nước nóng, suối Cua Hòn Nhọn ở xã Sơn Thành (nay thuộc thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) để trồng phát triển gần 100ha cây gỗ sao và dầu, 2ha cây mây rắc, 2ha cây dó bầu. Đến nay, những cây này vẫn phát triển tốt.

 

Năm 1993, Lê Văn Thứng được chuyển về làm Giám đốc Lâm trường TNXP tỉnh Phú Yên. “Thủ phủ” đơn vị đặt tại núi Nhạn. Trăn trở với việc tạo lập cảnh quan cho TX Tuy Hòa sau tái lập tỉnh, ông cùng tập thể Lâm trường TNXP đã triển khai trồng cây phi lao với diện tích trên 15ha bằng phương thức trồng cây ngay từ đầu mùa nắng có chủ động tưới nước và giai đoạn cuối mùa mưa có dùng phên che chắn giảm tốc độ gió kết hợp tưới rửa mặn. Bằng cách ấy, chỉ chưa đầy 3 năm là thảm rừng phi lao gần sát mép biển đã hình thành. Trong hơn 20 năm qua, rừng phi lao này đã thử sức với nhiều cơn bão mạnh trực tiếp thổi qua, nhiều mùa hè hạn hán khốc liệt nhưng vẫn xanh mát, góp phần tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

 

Cũng trong giai đoạn này, ông Thứng đã nghiên cứu đề xuất, tổ chức thực hiện xây dựng vườn sưu tập thực vật với quy mô 500 loài cây trên núi Nhạn. Trong đó ưu tiên sưu tầm các loài cây quý, hiếm trong tỉnh và cả nước. Hiện nay, vườn thực vật núi Nhạn có đến 450 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên như: lát hoa, trắc, cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, kiền kiền… thích nghi và phát triển rất tốt.

 

Năm 1997, kỹ sư Lê Văn Thứng được điều động về làm Phó Giám đốc Sở KHCN-MT tỉnh. Thời gian này, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN-MT, ông là người đề xuất ý tưởng, tham gia xây dựng các dự án: Khu Sản xuất giống và nuôi tôm thịt tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu (nay doanh nghiệp Đắc Lộc đang vận hành), Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.

 

Sau khi về hưu (năm 2011), theo lời ông tâm sự: “Xét thấy bản thân còn sức khỏe, hơn nữa mình có chuyên ngành khoa học kỹ thuật lâm nghiệp thì cố gắng đóng góp công sức cho quê hương...”. Từ suy nghĩ nhân văn ấy, ông tham gia thành lập Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (thành viên Liên hiệp Hội Phú Yên hiện nay) và được tập thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Tháng 6/2013, ông xây dựng đề tài: “Bảo vệ và phát triển cây trắc dựa vào cộng đồng tại lưu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên” do ông làm chủ nhiệm và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên là cơ quan chủ trì. Đề tài đã thực hiện trồng 3ha, đến nay cây trắc phát triển tốt, góp phần bảo vệ nguồn cây có nguy cơ tuyệt chủng.

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Phú Yên, hiện là Phó Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, nhận xét: “Kỹ sư Thứng là người có nhiều ý tưởng mới, hay, thích nghiên cứu khoa học. Ông đã dành tâm huyết để tìm tòi nghiên cứu, gây tạo những giống cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để phục hồi và phát triển trồng tại các cơ sở tôn giáo, trên đường phố, trong các công viên, khu du lịch, công sở, trường học. Tuy ông về hưu nhưng vẫn còn tâm huyết với công tác nghiên cứu khoa học cho tỉnh nhà. Chúng tôi rất trân trọng trí tuệ và khả năng làm việc của ông”.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek