Trường cao đẳng Nghề Phú Yên và Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên vừa ký kết phối hợp đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) của trường. Sự liên kết này được kỳ vọng sẽ “bao tiêu” đầu ra cho người học, đồng thời đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Vài năm trở lại đây, sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp được xem là một cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, sự phối hợp này chưa liên tục, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả.
Nhằm tạo mối quan hệ trao đổi thông tin lâu dài giữa Trường cao đẳng Nghề Phú Yên với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên và trường này đã ký kết phối hợp đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV của trường.
Trong đó, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên sẽ giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để trường hợp tác trong việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; cung cấp thông tin và nhu cầu thị trường lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế để nhà trường chủ động trong triển khai đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp…
Thông qua hoạt động hợp tác giữa hai bên, HSSV có điều kiện tiếp cận với thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp khi tuyển dụng và sử dụng lao động không phải tốn thời gian đào tạo bổ sung, đào tạo lại, đồng thời cũng giúp cho nhà trường có được chương trình đào tạo sát với thực tế.
Ông Nguyễn Quanh, đại diện Công ty TNHH MTV Bảo Châu cho biết: Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có nhiều ưu điểm như người học nghề được học những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; ngoài việc học lý thuyết nghề tại trường, các em còn được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị đang sử dụng tại doanh nghiệp. Qua đó giúp người học có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi có cơ hội lựa chọn được những lao động có kỹ thuật tốt cho mình.
![]() |
Học nghề điện dân dụng tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG |
Cam kết đầu ra
Giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động đang ngày càng trở nên gắn kết với nhau, khi hàng loạt các nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, thu hút nhân lực có trình độ, kỹ năng cao. Do đó, việc ký kết hợp tác giữa Trường cao đẳng Nghề Phú Yên với Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cũng có nhiều hình thức, như tổ chức cho HSSV thực tập, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thực tập nghề cho cơ sở đào tạo; doanh nghiệp đặt hàng nhà trường đào tạo và các hoạt động hợp tác khác để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường và doanh nghiệp phối hợp để HSSV sau khi học xong lý thuyết tại trường được thực tập, thực hành tại doanh nghiệp; tổ chức cho giáo viên đi thực tế tại các doanh nghiệp, trực tiếp hướng dẫn người học ngay tại doanh nghiệp để các em làm quen với môi trường sản xuất.
“Hình thức đào tạo theo hợp đồng đang trở thành xu hướng hiện nay trong hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thông qua việc thống nhất từ khâu tuyển sinh, nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo, đến mô hình dạy nghề… Từ đó, nhà trường đảm bảo trong việc cam kết đầu ra cho người học”, thầy Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên nói.
Ngoài sự hợp tác trong đào tạo, giữa Trường cao đẳng Nghề Phú Yên và các doanh nghiệp còn có sự phối hợp tư vấn nghề nghiệp cho HSSV. Về phía doanh nghiệp, đó là tư vấn về những công việc, những yêu cầu mà một người lao động cần có, để từ đó HSSV có thể lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Về phía nhà trường, đó là tư vấn, giới thiệu về khả năng thu hút lao động của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho HSSV tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp để họ có thể đến làm việc sau khi tốt nghiệp...
Theo các doanh nghiệp, những nhóm ngành chi phối thị trường lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tương lai sẽ bao gồm: Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật như công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử, kinh tế tài chính, nghiệp vụ khách sạn, quản trị du lịch, công nghệ thông tin… Điều này đặt ra thách thức cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực chuyển mình, tạo niềm tin để thu hút HSSV lựa chọn học nghề, coi học nghề thực sự là một hướng lập nghiệp đúng đắn.
TS ĐẶNG VĂN LÁI, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ PHÚ YÊN: Song hành với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo
Do khó khăn trong công tác tuyển sinh, nguồn đầu vào của trường nghề không đạt như mong muốn. Nhưng để giữ gìn thương hiệu nhà trường và nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên luôn chú trọng tới việc đổi mới công tác giảng dạy; xây dựng thương hiệu trường nghề; đồng thời song hành với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá cao, ngoài chuyên môn, người lao động cần phải có các kỹ năng khác nữa. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Dạy nghề sẽ chuyển sang hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với nhà trường, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, đảm bảo cung - cầu lao động...
ÔNG NGUYỄN HOÀNG PHÚC, PHÓ TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ PHÚ YÊN: Nâng cao tay nghề cho người lao động
Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.000 lao động đang làm việc, trong đó có khoảng 57% lao động chưa qua đào tạo nghề. Hiện cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm ở tỉnh ta đang chuyển dịch mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu. Điều đó đồng nghĩa với việc lao động không qua đào tạo, tay nghề thấp có nguy cơ bị thất nghiệp. Để giúp người lao động nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế và Trường cao đẳng Nghề Phú Yên phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo đó, hai bên sẽ có trách nhiệm xây dựng mục tiêu đào tạo nhân lực một cách đồng bộ, gắn đào tạo với sử dụng. Trong đó, điều kiện trước tiên là xây dựng một hệ thống thông tin thị trường lao động kỹ thuật nhằm xác định và cung cấp những thông tin chính xác, có căn cứ về nhu cầu của doanh nghiệp cũng như về khả năng đào tạo. Thông qua các cơ sở dữ liệu về cung và cầu lao động kỹ thuật trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ở từng khu công nghiệp để hai bên có thể dự báo chính xác nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo.
ÔNG HÀ HÙNG VĨ, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP CÔNG NGHIỆP GỖ TRƯỜNG THÀNH: Giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động đúng nghề
Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng người lao động có tay nghề thì chính doanh nghiệp phải là người tham gia vào quá trình đào tạo nghề đó. Hiện nay, hầu như trong cả nước chưa có trường nào đào tạo về chuyên ngành gỗ, do đó, doanh nghiệp chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động. Vì vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất nhằm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững này.
Tôi rất mừng khi thời gian gần đây nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với HSSV, nhưng các ngành nghề mà chúng tôi tuyển dụng được chủ yếu là điện, cơ khí, chứ chưa có chuyên ngành thuộc lĩnh vực gỗ. Hy vọng thông qua việc hợp tác với nhà trường sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như: Có nguồn nhân lực ổn định, có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. |
THÚY HẰNG