Thứ Sáu, 22/11/2024 23:01 CH
Chưa nhiều học sinh chọn học nghề
Chủ Nhật, 10/03/2019 07:00 SA

Học nghề công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nó góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực cũng như phù hợp năng lực, hoàn cảnh cá nhân, nhằm xây dựng xã hội học tập… Tuy nhiên, trên thực tế việc phân luồng học sinh sau THCS gặp không ít khó khăn.

 

Vẫn là thách thức đối với học nghề

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 10-15% học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề, còn lại là tiếp tục học lên. Tuy được định hướng theo 4 luồng chính sau THCS, đó là học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống, nhưng thực tế hiện nay tại các tỉnh, thành phố cho thấy đều có tình trạng “dồn toa” theo luồng học tiếp lên THPT với tỉ lệ 70-80%.

 

Tại Phú Yên, theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm học có khoảng 10.000-12.000 học sinh tốt nghiệp THCS theo học ở các trường THPT. Số học sinh THCS vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều, khoảng 1.000 học sinh, chiếm khoảng 10% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.

 

Tại Hội thảo Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2019 vừa được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức, với sự tham dự của đại diện Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT cùng các thầy cô giáo làm công tác tư vấn hướng nghiệp thuộc các trường THCS trên địa bàn tỉnh, các đại biểu ví von rằng nếu con đường vào giảng đường đại học ngày càng rộng mở khi học sinh có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì con đường rẽ vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại trở nên ngoằn ngoèo, gập ghềnh khó đi.

 

Dù nhận diện được nguyên nhân bất cập trong việc phân luồng học sinh sau THCS như: Việc lựa chọn nghề của học sinh còn theo tâm lý đám đông, chạy theo bằng cấp, hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật, thị trường việc làm cho những người học nghề còn hạn chế, các trường THCS (và kể cả các trường THPT) chưa có phòng tư vấn hướng nghiệp và cũng không có kinh phí để tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn để học sinh được tìm hiểu về các ngành, nghề phổ biến tại địa phương... Tuy nhiên, các giải pháp để khắc phục các bất cập vẫn còn khá chung chung.

 

Học nghề cơ khí tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ánh: THÚY HẰNG

 

Cần đả thông tư tưởng học sinh, phụ huynh

 

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.

 

Theo đề án này, đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học tập các trình độ sơ cấp, trung cấp; có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học tập trình độ cao đẳng.

 

Với mục tiêu xa hơn là phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học tập các trình độ sơ cấp, trung cấp; có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học tập trình độ cao đẳng.

 

Theo các trường, để đạt được những chỉ tiêu nêu trên là vô cùng khó khăn, rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Cô Trần Thị Kim Long, giáo viên chủ nhiệm kiêm công tác tư vấn hướng nghiệp lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (huyện Tuy An) cho biết: Mỗi học sinh có một thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau. Do đó, khi phân luồng học sinh sau THCS, giáo viên không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi, mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của các em…

 

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực của giáo viên, nhà trường thì chưa đủ, bởi ở lứa tuổi này các em còn phụ thuộc quá nhiều vào gia đình. Trong khi phần lớn phụ huynh học sinh còn mang nặng tâm lý sính bằng cấp nên họ chỉ mong muốn con em tiếp tục học THPT để vào đại học, bất chấp năng lực học tập của con em còn hạn chế. Điều này dẫn đến công tác phân luồng học sinh sau THCS gặp nhiều khó khăn.

 

Đây cũng là thực trạng chung trong công tác phân luồng học sinh sau THCS đối với các trường phổ thông. Vì vậy, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng ngoài nhà trường, các ban ngành, đoàn thể địa phương cũng cần tích cực hơn trong việc đả thông tư tưởng của phụ huynh để họ có cái nhìn chính xác hơn trong việc định hướng học tập cho con em mình.

 

TS TRẦN KIM QUYÊN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Nhiều chính sách khuyến khích nhằm phân luồng học sinh

 

Là một trong 88 trường được Bộ LĐ-TB-XH đưa vào danh sách trường chất lượng cao giai đoạn 2018-2025, nhà trường đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nhằm phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp bằng việc miễn học phí trong suốt quá trình học tập; tặng học bổng tương đương mức học phí toàn khóa cho thí sinh có điểm thi THPT quốc gia từ 18 điểm trở lên vào học trình độ cao đẳng.

 

Chương trình đào tạo với hơn 70% thời lượng thực hành và một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp nhằm giúp người học rèn luyện kỹ năng nghề và làm quen quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, các em được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp và được trả thù lao từ 4-8 triệu đồng/tháng.

 

Đặc biệt, trong năm 2019, nhà trường còn tuyển sinh nghề Cắt gọt kim loại (cơ khí) theo chương trình của Cộng hòa liên bang Đức. Học theo chương trình này, người học được học chương trình quốc tế tại Việt Nam, được hỗ trợ một phần học phí và sau khi tốt nghiệp sẽ nhận 1 bằng của Việt Nam và 1 bằng của Đức. Với sự nỗ lực này, hy vọng nhà trường sẽ thu hút được học sinh trong và ngoài tỉnh tham gia học tập, góp phần hóa giải bài toán phân luồng học sinh sau THCS.

 

ÔNG DƯƠNG BÌNH LUYỆN, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC (SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN): Sàng lọc học sinh sau tốt nghiệp THCS

 

Việc phân luồng học sinh sau THCS đến thời điểm hiện nay trở nên bức bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0. Vậy nên trọng tâm của việc phân luồng là xây dựng các giải pháp vừa cụ thể, vừa lâu dài, tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới và đề án Phân luồng học sinh sau THCS của Chính phủ để thu hút 30% thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi rẽ sang con đường học nghề, nhanh chóng đi vào lao động, sản xuất.

 

Cùng với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu HĐND, UBND tỉnh có chính sách sàng lọc học sinh tốt nghiệp THCS đủ năng lực mới học tiếp THPT để có thể học cao đẳng, đại học trong tương lai.

 

Cụ thể, giao chỉ tiêu tuyển sinh THPT (gồm công lập và ngoài công lập) dưới 70% thanh thiếu niên trong độ tuổi; chuyển 30% học sinh còn lại theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề hoặc các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

 

THẦY BÙI VĂN SON, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS TRẦN HƯNG ĐẠO (TP TUY HÒA): Đảm bảo việc làm cho người học

 

Mỗi năm, nhà trường có 8-10 lớp học sinh khối 9. Là học sinh vùng ven biển nên nhiều em có học lực còn hạn chế. Mặc dù nhà trường đã thực hiện một số giải pháp phân luồng học sinh như dựa trên kết quả học tập, bố trí giáo viên phân tích, hướng dẫn, động viên học sinh có học lực hạn chế chọn học nghề, song kết quả phân luồng không đạt hiệu quả. Sau khi tốt nghiệp THCS hầu hết các em tiếp tục vào các trường THPT. Chẳng hạn như năm học 2017-2018, trường có 323 học sinh tốt nghiệp THCS thì đã có 314 học sinh vào các trường THPT.

 

Để góp phần tăng cường công tác phân luồng học sinh, bên cạnh công tác tuyên truyền, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường chất lượng đào tạo nghề, tạo thương hiệu cho chính mình để khi ra trường học sinh có được một nghề vững chắc, không phải đào tạo lại khi bắt tay vào nghề.

 

Các trường nghề cũng phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho người học. Đồng thời tạo điều kiện linh hoạt cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo…

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek