Thời gian gần đây, một phương thức tiếp cận mới góp phần quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu xã hội và thị trường lao động đang được các trường đại học, cao đẳng áp dụng đó là đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học. Qua đó không chỉ giúp người học phát huy năng lực cá nhân mà còn giúp các trường đào tạo được lực lượng lao động cho một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Tổ chức dạy học nhằm giúp học sinh, sinh viên hình thành và phát triển năng lực phẩm chất không phải là mới. Tuy nhiên, quá trình tổ chức dạy học để phát huy năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được sáng tạo và tương trợ lẫn nhau trong học tập thì mỗi tiết học cần sự thay đổi từ chính người dạy lẫn người học.
Tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, thực hiện nội dung gói Đổi mới Chương trình đào tạo điều dưỡng dựa trên năng lực, thuộc tiểu hợp phần 1.2, dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET), trường này đã tổ chức 3 lần tập huấn về phương pháp giảng dạy chương trình đào tạo theo năng lực cho toàn bộ giảng viên, giáo viên kiêm chức tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền. Đồng thời liên tục điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng bám sát thực tiễn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lãnh đạo nhà trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, vì vậy, bên cạnh xây dựng chương trình đào tạo theo hướng lồng ghép, tích hợp dựa trên năng lực, lấy người học làm trung tâm, trường còn mời các chuyên gia hướng dẫn, nâng cao kỹ năng, năng lực giảng dạy cho giảng viên về đào tạo theo năng lực, phương pháp dạy học đảo chiều…
Theo ThS Trần Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục y học, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh - một chuyên gia hướng dẫn tại lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy chương trình đào tạo theo năng lực do Trường cao đẳng Y tế tổ chức, đào tạo tiếp cận năng lực là hướng tiếp cận tập trung vào đầu ra của quá trình dạy và học, trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một chương trình giáo dục. Nói cách khác, chất lượng đầu ra đóng vai trò quan trọng nhất đối với đào tạo tiếp cận năng lực.
Chuyển từ đào tạo kiến thức sang đào tạo tiếp cận năng lực là hình thức chuyển đổi từ việc nhấn mạnh việc sinh viên cần phải biết gì sang việc sinh viên phải nắm rõ mình cần biết gì và có thể làm gì. Do đó, đào tạo tiếp cận năng lực là lấy sinh viên làm trung tâm và giảng viên giữ vai trò như người hướng dẫn. Phương pháp này giúp sinh viên chủ động hơn trong việc đạt được năng lực cần phải có theo yêu cầu đặt ra phù hợp với từng điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân. Hiện cách đào tạo này cũng được các trường áp dụng phổ biến, đặc biệt là các trường đào tạo nghề.
ThS Đỗ Thị Cẩm Vinh, giảng viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho hay: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là nhằm phát triển tối đa năng lực của người học, trong đó, người học tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học trên cơ sở học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với doanh nghiệp. Trên cơ sở mô hình năng lực, người học sẽ bổ sung thiếu sót của bản thân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý chất lượng, nhấn mạnh năng lực vận dụng kiến thức của người học theo kết quả đầu ra.
Nói về cách dạy và học này, sinh viên Lê Anh Quân, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên thẳng thắn bày tỏ: Giáo dục dựa trên năng lực thường được thầy cô giáo thiết kế linh hoạt theo hướng mở nhằm có thể bổ sung và cập nhật kịp thời nội dung kiến thức mới.
Sách giáo khoa chỉ mang tính chất là tài liệu để tham khảo; phần lớn thời gian còn lại sinh viên được các thầy cô giáo gợi mở về cách tiếp cận bài học với thái độ cởi mở, vui vẻ, tạo sự giao lưu thoải mái, tin cậy giữa giảng viên và sinh viên. Với đặc thù là học nghề nên chúng em được các thầy cô giáo ưu tiên tăng thời lượng thực hành, tham quan thực tế tại doanh nghiệp để qua đó rèn tay nghề và hiện thực hóa năng lực học tập.
Còn sinh viên Trần Lê Thảo Vy, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên chia sẻ: “Tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, sinh viên thường xuyên thực hành trong các phòng thực hành, trung tâm, bệnh viện. Hơn nữa, sinh viên còn được rèn luyện những kỹ năng sống tích cực thông qua các chương trình ngoại khóa, hoạt động tình nguyện. Sự đa dạng về các hoạt động học thuật, hoạt động ngoại khóa chính là cơ sở để các em tích lũy kinh nghiệm thực tế và rèn luyện kỹ năng mềm để khi ra trường có thể làm việc ngay tại các bệnh viện, trung tâm y tế mà không cảm thấy bỡ ngỡ”.
THÚY HẰNG