Thứ Ba, 26/11/2024 23:47 CH
Đưa sách đến gần với học sinh
Thứ Tư, 07/11/2018 07:04 SA

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng chương trình “Sách hóa nông thôn” trao tặng tủ sách cho các trường học - Ảnh: HÀ MY

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng thư viện trường học, ngành Giáo dục cùng chương trình “Sách hóa nông thôn” đã nỗ lực đưa tủ sách lớp học đến với học sinh. Cách làm mới mẻ này đã mang lại làn gió mới, tạo hứng thú cho các em đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Qua đó giúp học sinh lĩnh hội tri thức, bồi dưỡng nhân cách.

 

Xây dựng tủ sách tại lớp học

 

Khác với những buổi sinh hoạt đầu giờ lên lớp như mọi lần, thời gian gần đây, học sinh ở Trường tiểu học Ea Bar (huyện Sông Hinh) có thêm một hình thức sinh hoạt mới, đó là tìm hiểu và đọc sách từ tủ sách được đặt ngay trong lớp học của mình.

 

Em Hờ Thủy, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Ea Bar chia sẻ: “Em rất thích đọc sách vì biết được nhiều điều bổ ích. Trước đây, muốn đọc sách, em phải vào thư viện mượn về nhà đọc. Còn bây giờ, tủ sách có ngay tại lớp nên em có thể đọc bất cứ lúc nào vào giờ nghỉ giải lao. Em và các bạn sẽ giữ gìn tủ sách luôn ngăn nắp”.

 

Theo thầy Huỳnh Đức Thịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Bar, nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhà trường cố gắng xây dựng văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh, đồng thời có kế hoạch bổ sung đầu sách hàng năm.

 

Ngoài tổ chức các hoạt động đọc sách tại thư viện trường do Bộ GD-ĐT phối hợp với Công ty Honda Việt Nam trao tặng từ năm 2014, nhà trường còn tổ chức cho học sinh đọc sách tại lớp thông qua tủ sách lớp học do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng chương trình “Sách hóa nông thôn” tặng trước thềm năm học 2018-2019. Từ ngày có tủ sách tại lớp học, học sinh được tiếp cận với sách dễ dàng hơn, có ý thức và hào hứng hơn trong việc đọc sách để bổ sung kiến thức mới.

 

Tại Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), từ ngày có tủ sách đặt tại lớp học, học sinh cũng hào hứng đọc sách hơn. Thầy Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Mỗi lớp đều có một tủ sách riêng đặt tại lớp học với gần 100 đầu sách do học sinh tự quản lý. Có một cuốn sổ, em nào mượn sách gì tự ghi lại, đọc xong tự giác mang lên trả. Cứ thế, các em luân phiên mượn đọc hết số sách có tại tủ sách. Sau một thời gian, các lớp trong trường đổi tủ sách cho nhau.

 

Nhà trường đang phát động trong học sinh, mỗi em góp một cuốn sách để làm phong phú tủ sách lớp học. Từ đây, các em được tiếp cận với đa dạng các loại sách. Việc đặt tủ sách tại lớp học để học sinh cùng tham gia bảo quản tủ sách, vừa tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận với sách, vừa phát huy tính tự giác, biết chia sẻ và giữ gìn tài sản chung.

 

Xây dựng văn hóa đọc sách trong nhà trường

 

“Tủ sách lớp học” là dự án được ngành GD-ĐT Phú Yên phối hợp với chương trình “Sách hóa nông thôn” triển khai từ năm học 2018-2019 với mục đích xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, tạo điều kiện cho các em tiếp cận và tăng niềm hứng thú, sự đam mê với sách.

 

Từ khi triển khai chương trình (tháng 8/2018) đến nay, hơn 250 tủ sách với hơn 13.000 đầu sách đã đến với gần 50 trường học trên địa bàn tỉnh. Nét độc đáo của tủ sách lớp học là học sinh tự mượn sách mà không cần đăng ký qua thẻ, tự trang trí hình dán ngộ nghĩnh đáng yêu mà không sợ bị trách mắng. Đặc biệt, học sinh tự quản lý, bảo vệ tủ sách, có trách nhiệm giữ gìn sách và thường xuyên đóng góp để làm tăng số lượng sách.

 

“Thông qua việc trao tủ sách lớp học đến với học sinh các trường, chúng tôi tin rằng mình đang đi nhóm lên ngọn lửa của niềm đam mê đọc sách. Nhưng để ngọn lửa này “bùng” lên mạnh mẽ, cần có sự hợp tác của thầy cô giáo và chính học sinh.

 

Chỉ cần mỗi em đóng góp một cuốn sách, 30 em trong lớp học sẽ có thêm 30 cuốn sách hay. Mỗi tháng, lớp này trao đổi sách với lớp kia, cứ thế, trong một năm học, các em sẽ thu về cho mình hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuốn sách bổ ích.

 

Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm dành một khoảng thời gian để tuyên dương những em có nhiều đóng góp cho tủ sách. Chính yếu tố tự nguyện sẽ mang lại niềm hứng khởi cho học sinh, giúp các em gần gũi với sách và đến với văn hóa đọc một cách tự nhiên, thoải mái nhất”, chị Vũ Thị Thu Hà, thành viên của chương trình “Sách hóa nông thôn” chia sẻ.

 

Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, do sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông đã tác động không nhỏ vào ý thức tiếp cận thông tin, làm ảnh hưởng tới văn hóa đọc truyền thống.

 

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, bên cạnh tập trung xây dựng thư viện cho các trường, ngành Giáo dục đã phát động rộng rãi văn hóa đọc trong học sinh, cán bộ, giáo viên.

 

“Với việc đổi mới các hoạt động của thư viện trường, trang bị tủ sách cho các lớp học, chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều học sinh sẽ tìm đến với sách để nâng cao tri thức, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, ông Cường nói.

 

Việc phát triển văn hóa đọc là điều kiện quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đây được coi như chìa khóa để phát triển giáo dục. Với quyết tâm phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, Chính phủ đã ban hành đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đang được các địa phương tích cực triển khai.

 

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek