Muối rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa của cơ thể để duy trì áp lực thẩm thấu và cân bằng dịch thể giữa tế bào, khoang gian bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan.
Người nội trợ có vai trò quan trọng trong việc giảm lượng muối trong bữa ăn gia đình (ảnh minh họa) - Ảnh: YÊN LAN |
Muối đóng một vai trò quan trọng là vậy, tuy nhiên chúng ta cần phải sử dụng hợp lý, không quá nhiều nhưng cũng không để thiếu hụt muối trong cơ thế. Nếu thừa muối, chúng ta có thể mắc một số bệnh lý như: tăng huyết áp, khô miệng, cơ thể bị tích nước, đau đầu… Còn nếu thiếu muối, chúng ta sẽ dễ mắc phải các chứng như: mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút…
Hiện nay, thói quen ăn mặn quá mức ở người Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng là một trong những yếu tố nguy cơ của các bệnh lý như cao huyết áp, gây tổn thương thận. Nhiều công trình nghiên cứu mối tương quan giữa ăn mặn và cao huyết áp, giữa ăn mặn và các bệnh lý về thận được công bố ở Việt Nam đều chỉ ra muối là một trong những yếu tố nguy cơ của các căn bệnh này.
Các nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy thường khẩu phần hàng ngày của người Việt chúng ta nhiều muối hơn so với nhu cầu cần thiết của cơ thể. Người ta đã phân tích rằng, trong thực phẩm hàng ngày dùng để nấu ăn đã có sẵn 3-5g muối; trong quá trình chế biến món ăn, đầu bếp lại cho thêm 5-10g muối và trong bữa ăn lại dùng thêm 3-5g trong nước chấm. Tổng lượng muối ăn vào của một người một ngày đã vượt quá từ 1,5-2 lần so với nhu cầu của cơ thể. Mỗi ngày, mỗi người chỉ cần từ 6-10g muối là đủ. Và chúng ta nên nhớ rằng ngay trong các thực phẩm có trong tự nhiên dùng để nấu ăn đã có sẵn từ 3-5g muối, như vậy khi nấu ăn chỉ cần nêm thêm dưới 6g muối nữa là đủ (một thìa cà phê nhỏ). Cũng nên nhớ lượng muối này chia đều cho tất cả các bữa ăn trong ngày của mỗi người.
Trước đây, do cuộc sống khó khăn, thực phẩm ít, chúng ta sử dụng mắm, muối thay thế các thực phẩm khác; các món ăn đều mặn để ăn được nhiều cơm, dần dần tạo thành thói quen. Bên cạnh đó, người dân chúng ta lại thích sử dụng các món ăn muối như dưa muối, mắm cà, cá khô… Đây chính là những món ăn có rất nhiều muối. Bên cạnh đó, do thói quen dự trữ thực phẩm ăn lâu dài, người ta phải muối mặn để ăn dần, cũng là một yếu tố dẫn đến thói quen ăn mặn. Tất cả những yếu tố trên tạo nên thói quen ăn mặn ở rất nhiều người.
Vì vậy để hạn chế lượng muối ăn hàng ngày nhằm có lợi cho sức khỏe, bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân biết nguy cơ của việc ăn mặn, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những người nội trợ, những người chế biến thực phẩm.
Trước hết, những người chế biến thực phẩm, người nội trợ phải hiểu rằng trong các thực phẩm tự nhiên dùng để chế biến món ăn đều có sẵn một lượng muối nhất định nên khi chế biến cần nhẹ tay khi nêm nếm; không nên sử dụng đường trong nêm nếm món ăn bởi vì nêm, nếm đường, món ăn trở nên ngọt, người nội trợ lại cho thêm tí muối nữa dẫn đến lượng muối quá nhiều.
Vì ăn mặn có nguy cơ cho sức khỏe nên mỗi người hãy giảm lượng muối trong bữa ăn của mình. Để giảm được lượng muối, hãy bắt đầu từ người nội trợ.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên