Thứ Năm, 31/10/2024 10:33 SA
BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên:
Tìm kiếm cơ hội đưa sinh viên điều dưỡng sang Nhật làm việc
Chủ Nhật, 04/03/2018 09:51 SA

Các tổ chức chăm sóc người cao tuổi Nhật Bản vừa phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng phía Nam có đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng tổ chức chuyến tham quan thực tế tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản nhằm tìm kiếm cơ hội đưa sinh viên ngành Điều dưỡng sang Nhật làm việc. BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên là đại diện duy nhất của các trường thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia chuyến đi này. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông về các nội dung liên quan đến chuyến đi này.

 

Đoàn các trường trung cấp, cao đẳng Việt Nam chụp hình lưu niệm với các thành viên một trường đào tạo chuyên môn điều dưỡng của Nhật - Ảnh: CTV

 

* Nhật Bản đang đứng trước những khó khăn do hậu quả của sự già hóa dân số nhanh chóng. Thực trạng này khiến Nhật Bản phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động và sự tăng lên về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều này có đúng khi ông đặt chân đến xứ sở hoa anh đào để tìm hiểu về vấn đề này?

 

- Là một quốc gia phát triển nhanh, Nhật Bản đã tạo ra những bước tiến mới, ổn định và bền vững trong nhiều mặt. Tuy nhiên, một trong những vấn đề xã hội mà Nhật Bản đang phải đối mặt hiện nay là già hóa dân số. Do đó, với những thiếu hụt về đội ngũ lao động cũng như nhu cầu về điều dưỡng chăm sóc cho người cao tuổi ngày càng tăng lên, Nhật Bản đang thực thi những chính sách tích cực cho vấn đề này. Với mục tiêu đó, hiện nay Nhật Bản đã áp dụng đào tạo thực tập sinh cũng như tuyển dụng nhân lực điều dưỡng làm công việc chăm sóc người cao tuổi để bổ sung cho nguồn nhân lực còn thiếu hụt.

 

Bản thân điều dưỡng ở Việt Nam vẫn chưa có được những kinh nghiệm và hiểu biết cơ bản về công tác điều dưỡng cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản như thế nào, dẫn đến tồn tại nhiều khó khăn cho điều dưỡng để thích nghi với môi trường công việc cường độ cao và tỉ mỉ như vậy. Cũng vì lý do đó, vừa qua, nhà trường được các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản mời tham gia chuyến đi thực tế này để qua đó tìm kiếm cơ hội đưa sinh viên điều dưỡng sang Nhật làm việc cũng như có cơ sở để nhà trường xây dựng tầm nhìn chiến lược trong đào tạo.

 

* Thời gian gần đây, lao động là điều dưỡng Việt Nam đi Nhật Bản làm công việc chăm sóc người cao tuổi khá nhiều. Ông có thể nói rõ hơn về công việc mà họ làm?

 

- Đoàn chúng tôi được đi tham quan và tìm hiểu thực tế tại 6 viện dưỡng lão và 2 trường chuyên đào tạo điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản hiện nay gặp khó khăn khi tự chăm sóc bản thân hoặc do bị bệnh và tuổi cao sức yếu. Ở Nhật Bản, tình trạng cần chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày do bị tổn thương về thể xác và tinh thần được gọi là “tình trạng cần chăm sóc”. Cần chăm sóc được chia làm nhiều nhóm. Trong đó nhóm 1: Người cao tuổi còn khỏe, tự ăn uống và vệ sinh cá nhân được. Nhóm 2: Tình trạng cần chăm sóc như nhóm 1, cộng thêm cần giúp đỡ khi đi bộ, đi chơi. Nhóm 3: Không tự làm được những việc đơn giản quanh mình như thay quần áo, đi vệ sinh và có chiều hướng suy giảm chức năng nhận thức. Nhóm 4: Cần giúp đỡ mọi mặt trong sinh hoạt, bao gồm cả “nằm liệt”, gần đất xa trời…

 

Vì vậy, công việc cụ thể của một điều dưỡng là chăm sóc đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, chăm sóc theo tình trạng bệnh, cho bệnh nhân ăn, giúp bệnh nhân đi lại với các trường hợp đi lại khó khăn, vệ sinh phòng bệnh, các dụng cụ y tế, tiếp nhận thuốc, giao tiếp, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ các hoạt động vui chơi, giải trí, phục hồi chức năng cho người cao tuổi… Phần lớn trong các khâu chăm sóc đều có sự hỗ trợ của máy móc thiết bị hiện đại và rất chuyên nghiệp, không nhọc nhằn lao động chân tay như làm công việc điều dưỡng ở Việt Nam. Đặc biệt, điều dưỡng chỉ làm công tác chăm sóc sức khỏe, không can thiệp trong khâu tiêm chích thuốc.

 

Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tại một trung tâm dưỡng lão của Nhật - Ảnh: CTV

 

* Có thể nói, chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản là công việc “chuyên nghiệp”. Công việc này đòi hỏi người điều dưỡng phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng giao tiếp tốt để vừa chăm sóc người cao tuổi vừa kết hợp với bác sĩ để công việc thuận tiện trôi chảy. Theo ông, nhân lực điều dưỡng mà các trường y của chúng ta đào tạo hiện nay có đáp ứng được yêu cầu này?

 

- Rất nhiều sinh viên điều dưỡng sang Nhật làm công việc chăm sóc người cao tuổi. Các em đã có sẵn kiến thức về chuyên môn nên khi làm các em sẽ tiếp thu nhanh hơn, làm tốt hơn. Về chuyên môn, sinh viên chúng ta có thể đáp ứng được, cái mà sinh viên ngành Y chúng ta còn yếu là khâu chăm sóc, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc người cao tuổi. Phần lớn các em khi qua Nhật đều được đào tạo lại.

 

Nhật Bản là một đất nước già, vì thế việc chăm sóc người cao tuổi trong các viện dưỡng lão là công việc rất thiếu người nhưng công việc này không dành cho những người không có tâm. Bởi chăm sóc người cao tuổi không như các công việc khác mà nó đòi hỏi phải yêu nghề, phải thực sự có trách nhiệm và có cái tâm của một người làm điều dưỡng.

 

* Nhận thức được những lợi ích trước mắt lẫn lợi ích lâu dài của việc đưa nhân lực điều dưỡng sang Nhật làm việc, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên sẽ có những định hướng gì để sinh viên chuyên ngành Điều dưỡng phấn đấu học tập, hội đủ điều kiện làm công việc chăm sóc người cao tuổi tại Nhật?

 

- Từ ngày 1/11/2017, ngành Điều dưỡng Nhật Bản chính thức tiếp nhận thực tập sinh điều dưỡng Việt Nam. Thông tin này nằm trong nội dung Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) được hai nước Việt Nam - Nhật Bản ký ngày 6/6/2017 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/11/2017.

 

Theo nội dung của bản cam kết MOC, thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam sẽ được kéo dài lên 5 năm (trước đây là 3 năm); đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe). Bản ghi nhớ MOC có hiệu lực là cơ hội lớn cho sinh viên ngành Y có cơ hội sang làm điều dưỡng viên Nhật Bản.

 

Hiện nay, thiếu hụt nhân lực điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi đã trở thành vấn đề mà chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch và thực hiện nhiều biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2025 được dự tính sẽ thiếu đến 377.000 người. Đào tạo và giữ được nhân lực đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của Nhật Bản. Trường cao đẳng Y tế Phú Yên đã và đang hợp tác với các nghiệp đoàn, tập đoàn, viện dưỡng lão… tạo cơ hội lớn cho sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến đi này, nhà trường đã hợp tác với 6 trung tâm dưỡng lão, 2 trường đào tạo chuyên môn điều dưỡng của Nhật. Mới đây, trường đã đưa 14 sinh viên vào TP Hồ Chí Minh tham gia kiểm tra năng lực do các nghiệp đoàn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Nhật Bản tổ chức để đưa các em sang Nhật theo diện thực tập sinh, du học sinh vào cuối tháng 3 này theo chương trình ký kết của Chính phủ hai nước.

 

Thông qua các chương trình xuất khẩu nhân lực này, chúng ta kỳ vọng sẽ rèn luyện nên một thế hệ lao động trẻ có kỷ luật cao, tay nghề tốt để sau đó quay trở về phục vụ đất nước. Vậy nên, một vấn đề đang được đặt ra tại các trường đào tạo là phải làm thế nào để tạo ra một môi trường đào tạo chuyên nghiệp hơn nữa để góp phần đáp ứng cho nhu cầu lao động ngày càng cao trong thời kỳ toàn cầu hóa.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Các ứng viên chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng điều dưỡng; chứng chỉ tiếng Nhật N4 là có thể tham gia chương trình tuyển dụng thực tập sinh đi thực tập Nhật Bản. Thực tập sinh Việt Nam đi thực tập điều dưỡng tại Nhật Bản trong thời gian 3-5 năm được đảm bảo về chỗ ở; được hưởng mức lương cơ bản từ 30-40 triệu đồng/tháng. Ngoài mức thu nhập cơ bản trên, lao động còn được nhận thêm một số khoản phụ cấp khác tùy theo thành tích công việc. Sau 5 năm, trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt, các thực tập sinh có thể tích lũy mang về Việt Nam số tiền từ 1-1,5 tỉ đồng.

 

Đối với du học sinh thì các em vừa học vừa làm. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các em có thể tham gia kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên. Nếu đỗ, các em sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek