Thứ Sáu, 01/11/2024 10:41 SA
Chống “rơi rụng” học trò sau kỳ nghỉ tết
Thứ Bảy, 10/02/2018 13:00 CH

Thường thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường thường phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Làm thế nào để duy trì sĩ số ngay sau Tết Nguyên đán là vấn đề luôn được ngành Giáo dục quan tâm. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên xung quanh vấn đề này.

 

TS Phạm Văn Cường

* Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, song thường thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số học sinh không đến trường lại tăng. Vì sao học sinh vẫn bỏ học và cần có những giải pháp gì duy trì sĩ số, thưa ông?

 

- Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp trên địa bàn tỉnh giảm dưới 0,5%, tuy nhiên vẫn còn một số trường tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn khá cao. Nguyên nhân chính là do đời sống gia đình của một bộ phận học sinh còn khó khăn, nhiều em trong độ tuổi đi học phải tham gia lao động sớm và học kém nên chán học, nhất là bậc THCS và THPT.

 

Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ đến hết mùng 10 tháng Giêng nên việc chống học sinh bỏ học cũng như duy trì sĩ số ngay sau Tết Nguyên đán luôn được ngành Giáo dục quan tâm. Hiện Sở GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường quan tâm duy trì sĩ số, chống học sinh bỏ học giữa chừng và tự ý nghỉ học trong những ngày giáp tết và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, toàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm đến giáo dục; thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm tìm thêm nguồn đầu tư cho giáo dục và tìm kiếm nguồn học bổng cho học sinh nghèo; tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém; nâng cao ý thức và trình độ sư phạm cho đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài… Đặc biệt là tăng cường trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, chính quyền, đoàn thể và gia đình.

 

* Học sinh miền núi và vùng biển thường bỏ học giữa chừng. Ngành Giáo dục đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng bỏ học đối với học sinh ở những vùng này, đặc biệt là sau kỳ nghỉ tết?

 

- Những năm gần đây, Nhà nước thực hiện một loạt các chính sách hỗ trợ cho giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn như hỗ trợ gạo, chi phí học tập hàng tháng… đã thu hút ngày một nhiều học sinh các bậc học ra lớp. Hiện những học sinh bỏ học giữa chừng chủ yếu rơi vào những trường hợp học lực quá yếu, mặc cảm với bạn bè khi đến lớp nên bỏ học. Vậy nên đối với học sinh vùng này, ngành Giáo dục yêu cầu các trường chủ động phân loại học sinh yếu để bồi dưỡng, chống ngồi nhầm lớp. Ngay từ đầu năm học và thời điểm nghỉ tết, nghỉ lễ, các trường và địa phương thành lập các tổ vận động học sinh ra lớp; thầy cô giáo định hướng, quan tâm, động viên học sinh; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực hiện kịp thời, đầy đủ... Hiện các trường học ở khu vực này đã tham mưu cho UBND xã chỉ đạo việc huy động học sinh ra lớp sau Tết Nguyên đán và nhiều biện pháp khác.

 

Tuy nhiên, cần có những giải pháp căn bản, sự cộng đồng trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và gia đình học sinh thì việc chống bỏ học và duy trì sĩ số ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số mới bền vững và tình trạng học sinh bỏ học mới giảm thiểu tối đa.

 

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ đạo giáo viên thăm nắm tình hình từng gia đình học sinh để có biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ tết - Ảnh: THÚY HẰNG

 

* Nhiều người cho rằng, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn tỉnh giảm là nhờ các trường thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Năm 2018, cuộc vận động này được triển khai như thế nào?

 

- Trong 5 năm qua (2012-2017), với tình thương yêu của người thầy, với ý thức trách nhiệm của mình: vì sự nghiệp “trồng người”, vì đàn em thân yêu, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành đã tích cực thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Qua cuộc vận động này, toàn ngành đã có trên 5.300 CBGV nhận đỡ đầu cho trên 49.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các nhà trường và cá nhân nhiều thầy cô giáo đã hỗ trợ được gần 8 tỉ đồng; tặng trên 25.000 quyển vở, 17 xe đạp, 212 máy vi tính… Ngoài hỗ trợ về vật chất, các đơn vị còn phân công giáo viên tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh yếu, kém trên 823.000 tiết; tổ chức thăm nắm tình hình từng gia đình để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhằm thoát nghèo bền vững, chất lượng học tập của học sinh nghèo ngày càng tăng và hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng.

 

Năm 2018, toàn ngành tiếp tục triển khai mạnh mẽ và sâu rộng cuộc vận động này và xem đây là một trong những tiêu chí thi đua của các trường.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cần phải thực hiện hệ thống giải pháp có tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương; đồng thời cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị với vai trò nòng cốt là các trường học và gia đình để học sinh có thể đến trường liên tục.

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek