Những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh được giao nhiệm vụ tư vấn, giám sát và phản biện xã hội về những vấn đề quan trọng của tỉnh. Hoạt động này đã và đang góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của người công dân, từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ.
“Bung” vấn đề ra để đi đến thống nhất
Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội, phản biện xã hội ở góc độ thông thường vẫn được hiểu là nhận xét, đánh giá, góp ý, tham vấn, phê bình... Tuy nhiên, phản biện thật ra còn bao gồm những tính chất khác như: phát hiện sai trái, có lập luận về sự sai trái ấy, từ đó tiến tới bắt buộc khách thể phải giải trình nhằm bảo vệ luận điểm và chứng minh khả năng thực thi của mình. Không có sự bắt buộc này, phản biện chưa thể gọi là phản biện.
Trong hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, Liên hiệp Hội có thế mạnh là mái nhà chung của giới trí thức, của các nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn ở hầu hết các lĩnh vực KH-CN. Trong năm vừa qua, lực lượng này đã phản biện 3/5 dự án tỉnh giao cho Liên hiệp Hội và đóng góp cho nhiều đề tài, dự án ở những hội đồng khoa học khác để khi đưa vào thực tiễn, tính khả thi của những đề tài, dự án sẽ cao hơn.
Cụ thể, trong tháng 5/2017, Hội đồng phản biện Liên hiệp Hội tỉnh tổ chức họp và phản biện dự án: “Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Nội dung phản biện tập trung phân tích sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của quy hoạch; xem xét căn cứ lập quy hoạch có phù hợp chưa, có tác động đến môi trường không; dự báo nhu cầu sử dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; các giải pháp thực hiện chủ yếu… Những ý kiến của các thành viên trong hội đồng phản biện được gửi đến đơn vị tư vấn và đầu tư để góp phần hoàn thiện báo cáo dự án.
Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, không chỉ dự án “Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” mà với bất kỳ đề tài, dự án nào, hoạt động phản biện của Liên hiệp Hội cũng diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp có giá trị. Trong số các ý kiến tham gia, sẽ có những người đồng thuận hoặc không đồng thuận với cách thực hiện của đề tài, dự án, nhưng chung quy lại đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là góp phần khắc phục những khiếm khuyết, đóng góp những ý kiến hay để hoàn thiện đề tài, dự án.
Nhấn mạnh vai trò của những người làm công tác phản biện xã hội, ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, khẳng định: “Người làm công tác phản biện xã hội là những người phải nhìn vào sự thật để nói thẳng. Tuy rằng công việc này khó khăn nhưng nếu trên nói, dưới chỉ biết làm theo mà không có ý kiến gì thì xã hội sẽ không có động lực mạnh mẽ để phát triển”.
Để phản biện trở thành động lực phát triển
Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, phản biện có văn hóa của phản biện, hay nói đúng hơn là phản biện hai chiều. Điều quan trọng đối với nhà phản biện là phải phân tích thông tin trên tư cách của nhà khoa học trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu, thì lời tư vấn mới có giá trị. Công tác phản biện xã hội thuộc về trách nhiệm của toàn cộng đồng.
Trăn trở với những vấn đề của tỉnh, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Phụ sản cho rằng phản biện xã hội là một hoạt động cần rất nhiều tâm huyết. Trong năm 2018 có nhiều vấn đề cần được lấy ý kiến từ những trí thức cũng như người dân. Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ IX (mở rộng), khóa IV, nhiệm kỳ 2013-2018 do Liên hiệp Hội tổ chức, ông Đinh Công Danh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, hoạt động phản biện xã hội cần được các trí thức thực hiện chủ động, mạnh mẽ trong đó có cả ghi nhận ý kiến của người dân cũng như đưa ra chính kiến của bản thân để đóng góp cho quá trình xây dựng các chính sách.
Bên cạnh đó cần có phương pháp khoa học trong thực hiện hoạt động phản biện để lựa chọn được những trí thức có tâm, có tầm, là những chuyên gia trong các lĩnh vực để hoạt động phản biện đạt chất lượng cao.
Công tác phản biện xã hội thuộc về trách nhiệm của toàn cộng đồng. Tuy nhiên, với ưu thế đặc biệt về năng lực và do sự thôi thúc lương tâm, sự nhạy cảm phát hiện ra các vấn đề mới của cuộc sống, từ đó đánh giá những tác động lợi - hại của chúng đối với xã hội, người trí thức luôn nhận lãnh trách nhiệm của người tiên phong trong việc góp tiếng nói của mình để xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách. Vì vậy, chỉ khi hoạt động phản biện có thật nhiều những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm thì khi đó sự dân chủ, tiến bộ trong cộng đồng mới được thúc đẩy.
THÁI HÀ