![]() |
Ông Lê Chiến ở xã Bình Ngọc đã bịt miệng giếng khi lụt vào ngập nhà, nhờ vậy nước giếng không bị ô nhiễm - Ảnh: K.CHI |
Trong đợt lụt vừa qua, nhà ông Lê Chiến ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) nước ngập tới tận cổ. Cái giếng sau vườn cũng bị ngập sâu trong lũ nhưng nước giếng vẫn bình thường. Ông Chiến giải thích: Mỗi khi ngập lụt, nước giếng thường bị ô nhiễm rất nặng. Chính vì thế, các hộ dân ở đây, nhà nào có giếng thì khi nước lớn là đều sử dụng áo mưa hay bạt không thấm nước để bịt miệng giếng.
Bà Lê Thị Liễu, ở phường 4 (TP Tuy Hoà) nói: “Lụt chuẩn bị vào là tôi “đóng gói” miệng giếng lại ngay. Việc bịt miệng giếng chẳng tốn kém, khó khăn gì nhưng rất hiệu quả. Chỉ cần một tấm nylon không thấm nước cùng một sợi dây buộc để ngăn cách nước trong giếng với nước lụt bên ngoài là ổn thôi”.
Cách giữ nước giếng sạch như trên do ông Lê Văn Thưa ở Quảng Bình nghĩ ra và đã được trao giải Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cách đây mấy năm. Theo ông Thưa, giếng là cái bình chứa nước nằm lọt thỏm trong cái bình mênh mông là không gian chứa giếng (gồm lòng đất nước ngầm, mặt đất và kể cả nước lụt). Giếng nước hoạt động theo nguyên tắc cân bằng áp lực về chất lỏng (nước) qua 2 bình thông nhau. Bình nhỏ là giếng, thông với bình lớn là không gian chứa giếng. Nước được thẩm thấu qua đất cát, sỏi đá lọc sạch vào giếng. Khi gặp lũ lụt, nước dâng vượt qua thành giếng dẫn đến nước giếng bị nhiễm bẩn. Tấm vải mưa hay bạt không ảnh hưởng gì đến vấn đề áp lực nước, vì nước trong giếng và ngoài giếng cùng cân bằng theo nguyên lý bình thông nhau qua thẩm thấu từ cát sỏi ở đáy giếng. Sự thông nhau bằng thẩm thấu này xảy ra một cách đương nhiên, vì khi nước lụt dâng lên thì nước trong giếng cũng dâng theo cân bằng. Đến khi nước lụt sắp ngang miệng giếng thì ta dùng tấm nhựa bịt miệng giếng lại. Như thế ta đã “đóng gói” nước giếng, thả giữa biển lũ. Khi nước lụt rút khỏi miệng giếng, mở tấm bạt ra, chắc chắn nước giếng vẫn trong như vốn có. Thế là có nước sạch dùng ngay khi nước lũ rút.
Bác sĩ Đoàn Văn Hải (Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên) cho biết: Đây là một cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả. Nếu cứ đến mùa lụt, hộ nào có giếng cũng áp dụng cách làm này thì Nhà nước sẽ đỡ phải lo xử lý ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt sau lũ trong dân, giảm nguy cơ dịch bệnh lây truyền. Đồng thời, không phải sử dụng đến hoá chất để làm sạch nguồn nước. Đây là cách bảo vệ nguồn nước giếng đơn giản, ít tốn kém mà lại rất phù hợp với bà con nông dân vùng lũ lụt.
KIM CHI